Lo âu và rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)

Anxiety and generalised anxiety disorder (GAD)

Below is a Vietnamese translation of our information resource on anxiety and generalised anxiety disorder (GAD). You can also view our other Vietnamese translations.

Thông tin này được viết cho những người đang phải vật vã với cảm giác lo âu hoặc những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa (GAD).

Thông tin đề cập đến cách bạn tự giúp bản thân và cách bạn nhận được sự trợ giúp từ chuyên gia. Nội dung cũng có thông tin hữu ích cho những người biết hoặc hỗ trợ người đang vật vã bởi chứng lo âu.

Lo âu là gì?

Lo âu là từ được dùng để mô tả cảm giác khó chịu khi rơi vào tình huống căng thẳng, bị đe dọa, gặp khó khăn hoặc đang đối mặt với một vấn đề nào đó. Bản thân nó không phải là một bệnh tâm thần.

Hầu hết chúng ta đều sẽ trải qua cảm giác lo âu vào một thời điểm nào đó trong đời vì nhiều lý do khác nhau. Đó là một phản ứng bình thường và thường biến mất theo thời gian khi tình hình thay đổi hoặc khi bạn thoát khỏi tình huống gây lo lắng.

Khi nào sự lo âu trở nên nghiêm trọng?

Sự lo âu trở nên nghiêm trọng khi:

  • sự lo âu của bạn đạt mức rất cao
  • bạn luôn (hoặc phần lớn thời gian) cảm thấy lo âu
  • không có lý do rõ ràng nào khiến bạn cảm thấy lo âu
  • nó ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày của bạn

Khi điều này xảy ra, sự lo âu có thể khiến bạn thường xuyên cảm thấy khó chịu, ngăn cản bạn làm những việc mình muốn và khiến bạn khó tận hưởng cuộc sống.

Cảm giác lo âu giống như thế nào?

Lo âu có thể khiến bạn cảm thấy nhiều điều hỗn loạn xảy ra ở cơ thể và cả ở tâm trí, bao gồm:

Trong tâm trí

  • lúc nào cũng cảm thấy lo lắng
  • cảm thấy mệt mỏi hoặc ngủ không ngon giấc
  • không thể tập trung
  • cảm thấy cáu kỉnh hoặc chán nản
  • cảm thấy khó chịu hoặc căng thẳng
  • cảm thấy quá sức chịu đựng
  • lo sợ có điều gì khủng khiếp sắp xảy ra.

Trong cơ thể

  • tim đập nhanh hoặc không đều (nhịp tim)
  • đổ mồ hôi
  • khô miệng
  • đau cơ và căng cơ
  • nhức đầu
  • run rẩy/run sợ
  • tê hoặc ngứa ran ở ngón tay, ngón chân hoặc môi
  • thở nhanh
  • cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • có vấn đề về dạ dày như khó tiêu, co thắt hoặc nôn nao
  • đi vệ sinh nhiều
  • cảm thấy nhiều lo âu liên quan đến những cảm xúc này.

Đôi khi, những người mắc chứng lo âu nghĩ rằng các triệu chứng này là dấu hiệu của bệnh tật về thể chất. Điều này có thể làm cho sự lo âu của họ trở nên tồi tệ hơn.

Khi tình trạng lo âu kéo dài, bạn rất dễ bắt đầu cảm thấy chán nản. Một số người mắc chứng lo âu cũng đồng thờimắc chứng trầm cảm.

Điều gì gây ra chứng lo âu?

Lo âu đến từ rất nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  • các sự kiện hằng ngày như nhận được một email gây căng thẳng ở nơi làm việc hoặc tương tác với một khách hàng khó tính
  • những biến cố lớn trong đời như ly hôn, mắc bệnh về thể chất hoặc có người quen vừa qua đời.

Đôi khi chúng ta còn cảm thấy lo âu khi điều gì đó tốt đẹp đang xảy ra. Ví dụ như nếu chúng ta sắp chuẩn bị hẹn hò hoặc sắp có một cuộc phỏng vấn xin việc. Những việc này không phải là điều xấu nhưng chúng có thể tạo ra những tác động về thể chất - tâm lý và gây lo âu trong cơ thể chúng ta.

Tại sao lo âu lại xảy ra?

Mặc dù lo âu có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu nhưng nó có thể hữu ích trong một số trường hợp nhất định và trong những giai đoạn nhất định:

  • về mặt tâm lý – Trong những tình huống khó khăn, sự lo âu cho chúng ta biết rằng có điều gì đó không ổn và giúp chúng ta cảnh giác để có phản ứng thích hợp.
  • về mặt thể chất – Cảm giác lo âu về mặt thể chất giúp cơ thể chúng ta chuẩn bị sẵn sàng chạy trốn khỏi nguy hiểm hoặc bảo vệ bản thân. Đây được gọi là phản ứng "chiến đấu hay bỏ chạy".

Rối loạn lo âu lan tỏa là gì?

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là một dạng rối loạn lo âu. Có rất nhiều chứng rối loạn lo âu khác không được đề cập ở đây, như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hoặc rối loạn hoảng sợ.

Nếu bị GAD, bạn sẽ:

  • cùng lúc có nhiều nỗi lo âu khác
  • có những mối lo lắng không đáng có
  • cảm thấy khó khăn trong việc kiểm soát những lo lắng của bản thân.

GAD khá phổ biến và ảnh hưởng đến 1 trên 25 người ở Anh. 

Nguyên nhân gì gây ra chứng GAD?

GAD không phải do một nguyên nhân duy nhất gây ra. Gen di truyền, môi trường xã hội và trải nghiệm sống của bạn – tất cả đều có một vai trò và tương tác với nhau.

Nếu một người thân trong gia quyến của bạn mắc chứng GAD, bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu ở mức cao từ bốn đến sáu lần. Tuy nhiên, không có một gen đơn lẻ nào gây ra chứng rối loạn lo âu. Thực tế, có nhiều gen tương tác với nhau (mỗi gen có tác động nhỏ) và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Khi nào tôi nên yêu cầu trợ giúp?

Nếu sự lo âu tác động tiêu cực đến cuộc sống của bạn hoặc bạn nghĩ là mình đang mắc chứng GAD, bạn cần có sự trợ giúp càng sớm thì bệnh của bạn càng mau lành hơn.

Có rất nhiều lý do khiến mọi người trì hoãn việc yêu cầu trợ giúp và sẽ là điều bình thường nếu bạn có một số suy nghĩ sau đây, ngay cả khi chúng không đúng:

  • “Đây là vấn đề của bản thân, tôi cần phải tự giải quyết” – Không ai phải gắng gượng một mình và tất cả mọi người đều xứng đáng được trợ giúp. Hãy cố gắng trò chuyện với bản thân bằng sự tử tế và lòng trắc ẩn, giống như kiểu bạn đang trò chuyện với người mà bạn quan tâm.
  • “Tôi cần tập trung vào những điều quan trọng khác” – Nhiều người cố gắng đặt ưu tiên cho sức khỏe tâm thần của họ. Điều này là cực khó khăn khi họ có những trách nhiệm quan trọng với gia đình hoặc với cộng đồng rộng lớn hơn, hoặc họ đang phải đối mặt với những thách thức bên ngoài khác. Tuy nhiên, nếu bạn không có sức khỏe, bạn sẽ không thể tiếp tục làm những việc quan trọng. Nếu tự giúp đỡ được chính mình, bạn mới có thể giúp đỡ người khác.
  • “Tôi lo là không biết mọi người sẽ nghĩ gì khi tôi yêu cầu sự trợ giúp” – Bạn có thể ngạc nhiên khi không biết có bao nhiêu người hiểu được những gì bạn đang phải trải qua, và có bao nhiêu người đã trải nghiệm những thử thách tương tự. Hãy cố gắng lắng nghe những ai hiểu cuộc sống của bạn và hỗ trợ bạn khi bạn cần sự giúp đỡ.

Làm thế nào để tự giúp bản thân?

Nếu bạn đang vật lộn với tình trạng lo âu của mình hoặc mắc chứng GAD thì luôn có rất nhiều sự trợ giúp. Thông thường, tình trạng lo âu có thể được cải thiện bằng cách thực hiện các bước sau để tự giúp mình:

  • Nói về sự lo lắng – Nếu tình trạng lo âu của bạn bắt đầu vì điều gì đó xảy ra trong cuộc sống của bạn, chẳng hạn như mối quan hệ tan vỡ, con cái bị ốm hoặc bạn mất việc, thì việc tâm sự với ai đó về mối lo âu có thể sẽ hữu ích. Hãy tâm sự với người mà bạn tin tưởng, tôn trọng và là người biết lắng nghe. Đây có thể là một người bạn thân, bác sĩ đa khoa, lãnh đạo một tôn giáo hoặc bất kỳ ai mà bạn cảm thấy thoải mái khi nhờ họ trợ giúp.
  • Các công cụ tự hỗ trợ – Có một số công cụ tự hỗ trợ mà bạn có thể sử dụng để cải thiện sức khỏe tâm thần của mình. Bao gồm các ứng dụng thiền hoặc ứng dụng chánh niệm cũng như sách hoặc ứng dụng cho phép bạn tự thực hiện liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Bạn có thể tìm hiểu thêm về liệu pháp CBT trong mục các liệu pháp tâm lý bên dưới.
  • Các nhóm tự hỗ trợ – Liên hệ với bác sĩ đa khoa của bạn để nhờ họ giới thiệu các nhóm tự hỗ trợ, qua đó bạn có thể gặp gỡ những người có các vấn đề tương tự. Bên cạnh việc có cơ hội trò chuyện, bạn còn có thể tìm hiểu cách người khác kiểm soát tình trạng lo âu của họ. Một số nhóm trong số này nói về những nỗi lo âu và ám ảnh cụ thể. Hãy hỏi bác sĩ của bạn xem nhóm nào có thể hữu ích cho bạn.
  • Hỗ trợ đồng đẳng – Hỗ trợ đồng đẳng là nơi bạn gặp gỡ những người có trải nghiệm tương tự trong một môi trường an toàn và mang tính hỗ trợ. Tìm hiểu thêm về việc tìm kiếm sự trợ giúp đồng đẳng.

Bạn cũng có thể tìm một nhóm tự hỗ trợ hoặc trợ giúp đồng đẳng thông qua một tổ chức từ thiện. Ví dụ, tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần Mind có các dịch vụ địa phương điều hành các nhóm khác nhau tùy thuộc vào việc bạn là ai và bạn cần trợ giúp gì.

Làm thế nào để nhận được sự trợ giúp của chuyên gia?

Nếu bạn đã cố gắng tự giúp mình, đang phấn đấu, bạn cần được trợ giúp thêm. Phương pháp trị liệu bạn được cung cấp sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh của bạn, nhưng đây là một số phương pháp trị liệu bạn có thể được cung cấp nếu bạn mắc chứng GAD.

Liệu pháp Trị liệu Tâm lý

Trị liệu tâm lý, hay “điều trị qua trò chuyện", là nơi bạn chia sẻ với bác sĩ trị liệu về những vấn đề mà bản thân đang phải đối mặt.

Có nhiều cách tiếp cận để hỗ trợ chữa trị các bệnh lý tâm thần khác nhau. Hai cách tiếp cận dưới đây được khuyên áp dụng cho chứng Rối loạn Lo âu Lan toả:

Liệu pháp Nhận thức Hành vi (CBT)

CBT là liệu pháp nói chuyện, giúp bạn biết thêm các cách suy nghĩ và phản ứng có lợi khi đối mặt với những vấn đề thường nhật. Liệu pháp này nhắm tới việc cải thiện tâm trạng nhất thời bằng cách hướng dẫn bạn nhận ra mối liên kết giữa các suy nghĩ, hành động và cảm xúc.

Nếu mắc chứng GAD (Rối loạn lo âu lan toả), liệu pháp CBT sẽ giúp kiểm tra các nỗi sợ và thấu hiểu chứng lo âu của bạn. Liệu pháp CBT được thực hiện với từng cá nhân, hoặc với một phần của nhóm. Bạn có thể tham gia liệu pháp CBT một cách trực tiếp hoặc trực tuyến. Nó thường được tổ chức một lần mỗi tuần, xuyên suốt vài tuần hoặc vài tháng.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về CBT bằng cách đọc nguồn thông tin về CBT của chúng tôi.

Thực hiện việc thư giãn

Thư giãn là liệu pháp giúp bạn thư giãn cơ thể trong những tình huống mà bạn thường xuyên bị lo lắng. Một bác sĩ trị liệu đã qua đào tạo sẽ làm việc cùng bạn trong các buổi trị liệu dài khoảng một tiếng mỗi tuần, suốt vài tháng và vị này sẽ dạy bạn cách thư giãn cơ thể.

Sau khi tham gia các buổi trị liệu này, bạn sẽ có khả năng thực hiện việc thư giãn trong các tình huống hàng ngày khi trải nghiệm sự lo âu.

Dược phẩm

Nếu các phương pháp điều trị tâm lý không đem lại hiệu quả, hoặc bạn không muốn tiếp tục việc trải nghiệm, bạn sẽ được chỉ định sử dụng dược phẩm.

Bác sĩ của bạn sẽ đề xuất kết hợp việc dùng thuốc và liệu pháp trò chuyện. Việc kết hợp sử dụng thuốc và trị liệu qua trò chuyện cùng lúc sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho một số đối tượng, hơn là đơn thuần chỉ sử dụng thuốc hoặc chỉ điều trị bằng liệu pháp trò chuyện.

Thuốc Ức chế Tái hấp thu Chọn lọc Serotonin

Thuốc Ức chế Tái hấp thu Chọn lọc Serotonin (SSRI) là một loại thuốc chống trầm cảm. Mặc dù được gọi là thuốc chống trầm cảm, SSRI vẫn được dùng để điều trị các chứng rối loạn lo âu lan tỏa.

SSRI được tin là sẽ làm tăng hàm lượng serotonin trong não bộ. Serotonin được cho là chất tạo ra ảnh hưởng tốt cho tâm trạng, cảm xúc và giấc ngủ. SSRI ít gây tác dụng phụ so với những loại thuốc chống trầm cảm khác.

Thuốc Ức chế Tái hấp thu serotonin-noradrenalin

Nếu SSRI không hiệu quả, bạn sẽ được khuyên dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-noradrenalin (SNRI). Đây cũng là một loại thuốc chống trầm cảm tương tự như SSRI nhưng có tác dụng hơi khác một chút.

Thuốc chống trầm cảm cần 2 đến 8 tuần mới có tác dụng và cần được uống một cách đều đặn để đạt hiệu quả thích hợp. Như tất cả các loại dược phẩm, thuốc chống trầm cảm sẽ có các tác dụng phụ, và bác sĩ cần trao đổi thông tin trước với bạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm trong tài liệu về thuốc chống trầm cảm của chúng tôi.

Thuốc Pregabalin

Nếu SSRIs và SNRIs không hiệu quả, bạn sẽ được đề xuất dùng thuốc pregabalin; đây là một loại thuốc được dùng để điều trị chứng động kinh và các cơn đau. Nó đã chứng minh tính hiệu quả đối với người mắc chứng lo âu.

Thuốc pregabalin có khả năng gây nghiện. Nếu cảm thấy bản thân dần phụ thuộc vào pregabalin hoặc bạn dùng thuốc này với liều lượng lớn hơn liều được kê trong đơn thuốc, bạn cần báo ngay cho bác sĩ của mình.

Các cách điều trị khác

Thuốc Benzodiazepin

Benzodiazepin là một loại thuốc giảm đau. Bạn sẽ được khuyên dùng thuốc này trong một thời gian ngắn nếu bạn phải đối phó với các cơn đau và không kiểm soát được chứng lo âu. Benzodiazepin có khả năng gây nghiện nếu được dùng trong một thời gian quá dài. Nếu bạn cảm thấy mình dần trở nên phụ thuộc vào thuốc benzodiazepin, bạn cần báo ngay cho bác sĩ của bạn.

Thuốc chẹn beta

Hiếm khi bạn được chỉ định dùng thuốc chẹn beta, vì đây là một loại dược phẩm làm giảm hoạt động của tim. Thuốc này giúp ngăn chặn các cảm giác lo lắng về thể chất.

Thảo dược

Một số người phát hiện thảo dược chữa trị được chứng lo âu của họ. Tuy nhiên, không có bằng chứng vững chắc khẳng định tính hiệu quả của thảo dược. Bạn nên trao đổi với bác sĩ của mình trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc thay thế nào, vì việc thay đổi thuốc có khả năng gây ra các hậu quả nghiêm trọng.

Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn khi đọc các nguồn thông tin của chúng tôi về các loại thuốc  và các điều trị vật lý bổ sung và thay thế.

Làm thế nào khẳng định là ai đó đang vật vã với chứng lo âu?

Phần đông mọi người đều thi thoảng có cảm giác lo âu, nhưng chứng lo âu này không trở nên nghiêm trọng. Dưới đây là một vài điểm cần để ý nếu bạn nghĩ người quen của mình đang mắc chứng lo âu ở mức cao hơn bình thường:

  • Người đó có vẻ lo lắng về điều gì đó hoặc về quá nhiều điều, ở mức độ không hợp lý.
  • Họ né tránh những tình huống hay hoàn cảnh mà trước đây họ chưa từng có thái độ tương tự. Ví dụ, đi dự tiệc, ăn tối bên ngoài hoặc đi đến các nơi đông người.
  • Họ phàn nàn về những triệu chứng của cơ thể như đau đầu, đau bụng hoặc mệt mỏi.
  • Họ có vẻ khó chịu, tức giận hay thất vọng không vì lý do cụ thể nào.
  • Họ huỷ bỏ các kế hoạch, hoặc không làm những việc mà họ nói là họ sẽ làm.
  • Họ có vẻ bị phân tâm hoặc không lắng nghe khi bạn đang trò chuyện với họ.

Mỗi người có mỗi trải nghiệm và mỗi cách biểu hiện chứng lo âu khác nhau, tùy thuộc vào các trải nghiệm cuộc sống, bối cảnh văn hoá và tín ngưỡng, và cả ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Nghĩa là, chứng lo âu của ai đó không biểu hiện rõ ràng ngay trước mắt bạn.

Tôi có thể trợ giúp người đang vật vã với chứng lo âu như thế nào?

Trợ giúp người mắc chứng lo âu là một thử thách, đặc biệt nếu bạn không phải là kiểu người hay lo lắng. Bạn có thể giúp đỡ họ bằng một số hành động dưới đây:

  • Lắng nghe - Hiện diện và lắng nghe người đang vật vã với chứng lo âu là một sự trợ giúp rất lớn. Đôi khi việc chia sẻ các cảm giác lo lắng với người khác có khả năng làm dịu cơn lo âu của họ.
  • Nhẫn nại - Cố gắng nhẫn nại với việc người quen của bạn không thể làm theo kế hoạch đã đề ra, hoặc có vẻ cáu kỉnh hay dễ phân tâm. Điều quan trọng là không nên giữ sự lo âu cho riêng mình.
  • Coi trọng họ - Kể cả khi một ai đó lo lắng về những thứ tưởng chừng vô lý với bạn, cách mà họ cảm thấy vẫn rất thực với họ. Bạn không cần ủng hộ mọi suy nghĩ lo lắng của họ, nhưng bạn có thể cam đoan là cảm giác của họ có căn cứ và họ xứng đáng được hỗ trợ.

Nếu người quen của bạn đang vật vã với chứng lo âu, hãy động viên họ tìm kiếm sự trợ giúp, dù điều đó có nghĩa là họ tự hỗ trợ bản thân hay họ tìm sự trợ giúp của giới chuyên môn.

Tổ chức từ thiện về chứng Lo âu nước Anh chia sẻ những lời khuyên hữu ích cho việc trợ giúp người mắc chứng lo âu.

Thông tin và các nguồn trợ giúp bổ sung

Dưới đây là một số nguồn thông tin và trợ giúp hữu ích nếu bạn hoặc người quen đang vật vã với chứng lo âu hoặc chứng GAD (Rối loạn Lo âu Lan toả).

Thông tin và nguồn trợ giúp liên quan đến chứng lo âu

Thông tin và hỗ trợ chứng Rối loạn Lo âu Lan tỏa

Niềm tin

Các thông tin này được Ban biên tập Đại học Hoàng gia với sự Tham gia Công khai của các Bác sĩ Tâm thần (PEEB) - biên soạn. Thông tin phản ảnh bằng chứng tốt nhất hiện có tại thời điểm soạn tin.

Các tác giả chuyên gia: Giáo sư David Veale và Giáo sư David Nutt

Tài liệu tham khảo đầy đủ cho nguồn thông tin này có sẵn khi có yêu cầu.

Xuất bản: Tháng 05 năm 2022

Hạn xem xét: Tháng 05 năm 2025

© Đại học Hoàng gia các Bác sĩ Tâm thần

This translation was produced by CLEAR Global (Apr 2024)

Read more to receive further information regarding a career in psychiatry