Rượu bia, sức khỏe tâm thần và não bộ
Alcohol, mental health and the brain
Below is a Vietnamese translation of our information resource on alcohol, mental health and the brain. You can also view our other Vietnamese translations.
Tài liệu này cung cấp thông tin về việc sử dụng thức uống có cồn, cũng như ảnh hưởng của rượu lên não bộ và sức khỏe tâm thần của bạn. Tài liệu này dành cho người trưởng thành muốn tìm hiểu thêm về thức uống có cồn, người nghiện rượu hoặc người có người quen nghiện rượu.
Nội dung chính của tài liệu nói về:
- Thức uống có cồn là gì
- Cách rượu bia ảnh hưởng đến não bộ
- Ảnh hưởng của rượu bia đến sức khỏe tâm thần
- Phụ thuộc rượu
- Tổn thương não liên quan đến rượu
- Cách tính toán lượng cồn bạn đã sử dụng
- Cách để được hỗ trợ khi bạn đã uống quá nhiều rượu
Thức uống có cồn là gì?
Chất cồn (còn gọi là “ethanol” hoặc “rượu etylic”) khi được hấp thụ vào máu có thể đi đến mọi cơ quan trong cơ thể.
Cồn chế biến thành thức uống được gọi là thức uống có cồn. Thức uống có cồn rất đa dạng, được sản xuất bằng nhiều cách và chứa nhiều thành phần khác nhau. Tuy nhiên, các nhóm thức uống có cồn phổ biến thường là:
- bia và nước quả lên men
- rượu vang
- rượu mạnh (như vodka, gin hoặc whisky)
Mỗi loại thức uống có cồn sẽ chứa nồng độ cồn khác nhau. Do đó, một số thức uống có cồn sẽ tác động đến cơ thể nhiều hơn những loại khác.
Luật pháp Anh quốc cho phép người trưởng thành trên 18 tuổi mua và sử dụng thức uống có cồn. Nhìn chung, luật pháp không cho phép người dưới 18 tuổi sử dụng hoặc mua thức uống có cồn. Bạn có thể tìm hiểu thêm về luật liên quan đến thức uống có cồn trên trang web Chính phủ.
Tại sao con người sử dụng thức uống có cồn?
Trong một nghiên cứu về người dân ở Anh năm 2021, gần một nửa số người được hỏi cho biết họ sử dụng thức uống có cồn ít nhất một lần một tuần.
Con người sử dụng thức uống có cồn vì nhiều lý do khác nhau. Một số người uống đồ có cồn để giải trí hoặc để thư giãn. Số khác dùng việc uống để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Ảnh hưởng của thức uống có cồn lên mỗi người là không giống nhau. Một số người chỉ tận hưởng đồ uống có cồn mỗi khi có dịp và không thấy mình bị ảnh hưởng tiêu cực từ nó. Một số khác phải cố gắng kiềm chế để không uống quá nhiều hoặc làm những điều khiến họ hối hận khi uống rượu.
Một vài người chọn không sử dụng đồ uống có cồn. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm:
- họ không thích cảm giác say
- họ không thích mùi vị
- thức uống có cồn làm họ thấy buồn nôn hoặc rất buồn ngủ
- để giữ gìn sức khỏe
- vì lý do tôn giáo
Một số người chỉ đơn thuần là không muốn sử dụng thức uống có cồn.
Làm thế nào để biết thức uống có độ cồn nặng hay nhẹ?
Có hai cách để nhận biết:
- Đơn vị cồn – Đây là đơn vị giúp mọi người tính được lượng rượu bản thân đã uống. Tuy nhiên, đơn vị cồn được quy ước khác nhau ở từng quốc gia. Ở Anh, một đơn vị tương đương 10ml (hoặc 8g) cồn nguyên chất.
- Nồng độ cồn theo thể tích (ABV) – Nghĩa là lượng cồn nguyên chất chứa trong thức uống có cồn.
Ví dụ
Bạn có một chai rượu vang 750ml hoặc 75cl. Trên chai ghi 12% ABV, nghĩa là trong chai chứa 12% cồn nguyên chất. Chai rượu vang này chứa 9 đơn vị cồn.
Để so sánh, một chai rượu vodka 100ml hoặc 10cl thường có 40% ABV, tương đương với 40 đơn vị. Ở cuối tài liệu này, bạn có thể tham khảo bảng bao gồm các đơn vị và ABV của các loại thức uống có cồn khác nhau trong phần hướng dẫn về các đơn vị cồn.
Uống bao nhiêu rượu là an toàn?
Không có mức tiêu thụ rượu nào là "an toàn" vì cơ địa của mỗi người là khác nhau. Bạn không bao giờ có thể biết được rượu chính xác sẽ ảnh hưởng đến bạn như thế nào.
Người trường thành được khuyến cáo không nên uống quá 14 đơn vị cồn mỗi tuần nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tổn hại sức khỏe. Lượng này tương đương với:
- 5 pint bia dưới 3% ABV hoặc
- 10 ly nhỏ (125ml) rượu vang 12%.
Lượng đơn vị này nên được trải dài trong một tuần, xen kẽ với những ngày không sử dụng rượu.
Tất cả mọi người nên tránh kiểu uống “quá chén”. Có nghĩa là uống hơn 8 đơn vị trong một ngày đối với nam giới và hơn 6 đon vị một ngày đối với nữ giới.
Làm sao để tránh uống quá mức?
Nếu bạn nghĩ bản thân đã uống quá nhiều và muốn kiểm soát lại lượng rượu uống vào:
- Đặt mục tiêu giảm dần lượng rượu uống vào theo thời gian.
- Tránh gặp gỡ những đối tượng hoặc ở trong môi trường đòi hỏi bạn phải uống nhiều rượu.
- Sử dụng thức uống có cồn loại nhẹ hơn, chẳng hạn như bia hoặc rượu vang ít cồn hoặc không cồn.
- Hãy nghĩ đến những hoạt động bạn có thể làm mà không liên quan đến thức uống có cồn.
- Nhờ người thân hoặc bạn bè giúp đỡ. Bạn có thể cùng nhau thống nhất một mục tiêu và theo dõi tiến độ của bản thân bằng cách sử dụng bảng theo dõi lượng rượu tiêu thụ ở cuối tài liệu này.
- Hãy trao đổi với bác sĩ gia đình của bạn. Đối với nhiều người, các bước đơn giản này đã giúp họ giảm lượng rượu uống vào.
Khi đặt ra mục tiêu kiểm soát lượng cồn thu nạp, hãy cố gắng đặt ra những mục tiêu cụ thể, dễ đo lường, có thể đạt được, thực tế và có mốc thời gian để thực hiện. Việc này sẽ giúp bạn tăng khả năng hoàn thành mục tiêu.
Rượu có tác động khác đối với người cao tuổi không?
Khi chúng ta già đi, cơ thể chúng ta thay đổi và phân giải cồn chậm hơn. Việc này có thể khiến người cao tuổi dễ chịu nhiều tác động của thức uống có cồn hơn.
Người cao tuổi sử dụng thức uống có cồn sẽ nguy hiểm hơn vì một số lý do sau đây:
- Các vấn đề sức khỏe – Người cao tuổi dễ có nhiều khả năng mắc các vấn đề sức khỏe khác. Từ đó, họ có thể bị rượu tác động nhiều hơn.
- Nguy cơ té ngã – Thông thường khi già đi, khả năng phản xạ và giữ thăng bằng của chúng ta sẽ kém hơn. Chất cồn khiến cơ thể dễ mất thăng bằng hơn, do đó người cao tuổi có nhiều nguy cơ té ngã hơn khi sử dụng thức uống có cồn.
- Thuốc – Có một vài loại thuốc thường được dùng nhiều cho người cao tuổi có thể phản ứng với rượu và gây nguy hiểm. Ví dụ: nếu sử dụng thức uống có cồn trong khi dùng thuốc chống đông máu thì sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu nếu bị thương. Nếu sử dụng thức uống có cồn trong khi dùng một số loại thuốc kháng sinh thì có thể bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu.
- Hay quên – Đôi lúc, họ trở nên đãng trí hơn hoặc mắc chứng sa sút trí tuệ nên sẽ không nhớ mình đã uống bao nhiêu. Nếu bạn gặp phải tình trạng này, bạn sẽ rất dễ tăng lượng cồn nạp vào mà không biết.
Việc có sử dụng thức uống có cồn hay không là quyết định của riêng cá nhân. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Nếu bạn lo lắng rằng rượu đang ảnh hưởng đến sức khỏe của mình hoặc rượu có thể phản ứng với thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ gia đình.
Thức uống có cồn tác động lên não bộ như thế nào?
Cồn ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của các chất hóa học trong não, gọi là các “chất dẫn truyền thần kinh”. Các chất dẫn truyền thần kinh chủ yếu bị rượu ảnh hưởng là GABA và Glutamate. Những chất này có cách thức hoạt động trái ngược nhau.
- GABA giúp “làm dịu” não bộ và cơ thể. Cồn làm tăng tác dụng của GABA nên khi sử dụng lượng ở mức ít, cồn có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn hoặc đỡ bồn chồn.
- Glutamate “kích thích” não bộ và cơ thể. Cồn làm giảm tác dụng của Glutamate nên khi sử dụng thức uống có cồn, bạn sẽ kém tỉnh táo hơn.
Rượu cũng có thể làm giảm khả năng hấp thụ các loại vitamin và chất dinh dưỡng (chẳng hạn như vitamin B1 và magiê) thiết yếu cho sự hoạt động bình thường của não.
Thức uống có cồn tác động lên sức khỏe tâm thần như thế nào?
Việc sử dụng thức uống có cồn gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần theo nhiều cách khác nhau:
- Nếu bạn uống quá nhiều hoặc uống hằng ngày thì về lâu dài, việc này sẽ làm ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của bạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm nguyên nhân dẫn đến điều này trong các phần tiếp theo của tài liệu này.
- Nếu bạn có vấn đề về sức khỏe tâm thần, hoặc đã được chẩn đoán đã mắc các bệnh lý tâm thần, thì việc sử dụng thức uống có cồn có thể khiến bệnh tình trở nên tồi tệ hơn. Việc sử dụng thức uống có cồn cũng có thể làm tăng nguy cơ tự ngược đãi bản thân và tự sát.
- Nếu bạn đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bạn có thể nghĩ sử dụng thức uống có cồn sẽ giúp cải thiện tâm trạng. Tuy nhiên, việc này sẽ gây ra tác dụng ngược.
Tại sao thức uống có cồn gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần?
Việc sử dụng thức uống có cồn gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần của bạn vì một số lý do sau đây:
- Chất hóa học trong não – Cồn làm ảnh hưởng đến các hợp chất hóa học trong não, làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm, rối loạn hoảng sợ và hành vi bốc đồng.
- Say nguội – Khi bị say nguội, bạn sẽ cảm thấy buồn nôn, lo lắng và bồn chồn. Tình trạng này nếu xảy ra thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của bạn.
- Khó khăn trong cuộc sống – Nếu bạn gặp vấn đề với rượu, cuộc sống của bạn sẽ trở nên khó khăn hơn. Việc uống rượu có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ, công việc, tình bạn hoặc đời sống tình dục của bạn.
Sức khỏe tâm thần của tôi có cải thiện nếu tôi ngừng hoặc giảm tần suất sử dụng rượu bia không?
Nhìn chung, việc cắt giảm hoặc ngừng sử dụng rượu bia sẽ mang lại tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần của bạn. Nếu việc uống rượu khiến bạn cảm thấy tệ hại thì sau vài tuần ngừng uống, bạn có thể bắt đầu cảm thấy tình hình cải thiện cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa rượu và sức khỏe tâm thần rất phức tạp, đặc biệt đối với những người đã trải qua sang chấn và cần được trợ giúp mới có thể giải quyết những khó khăn gốc rễ để cai rượu.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc cai rượu hoặc nếu rượu khiến sức khỏe tâm thần của bạn xấu đi, hãy trao đổi với bác sĩ gia đình. Vẫn có thể có nguyên nhân khác liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần của bạn nên bạn có thể sẽ cần được trợ giúp thêm. Chẳng hạn như bằng liệu pháp tâm lý hoặc dùng thuốc.
Tôi có thể sử dụng thức uống có cồn nếu đang mắc bệnh tâm thần không?
Nếu bạn mắc bệnh tâm thần, hoặc đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và hiện tại không sử dụng thức uống có cồn thì điều tốt nhất nên làm là đừng uống. Việc sử dụng thức uống có cồn khi đang có bệnh tâm thần sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của bạn và có thể khiến vấn đề trở nên tệ hơn. Rượu cũng có thể ảnh hưởng đến một số loại thuốc nhất định.
Nếu bạn hiện có vấn đề về sức khỏe tâm thần, hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần, hãy trao đổi với bác sĩ gia đình về tác động có thể có của việc sử dụng thức uống có cồn đối với bạn. Nếu bạn đang uống một số loại thuốc nhất định, bác sĩ gia đình sẽ khuyến nghị bạn không nên sử dụng thức uống có cồn.
Tác dụng ngắn hạn của việc sử dụng thức uống có cồn là gì?
Thức uống có cồn vẫn có những tác động tốt. Khi sử dụng ở mức vừa phải, đồ uống có cồn sẽ giúp bạn cảm thấy:
- vui vẻ
- thư giãn
- hoạt ngôn
- tự tin.
Thức uống có cồn cũng có thể gây ra những tình huống khiến bạn phải xấu hổ hoặc có khả năng gây nguy hiểm, làm bạn:
- buồn ngủ
- trở nên vụng về
- nói không rõ lời.
Càng uống nhiều đồ có cồn thì khả năng tự chủ và phán đoán của bạn càng bị ảnh hưởng nhiều. Điều này có nghĩa là bạn:
- sẽ làm những việc mà bình thường bạn không làm
- sẽ nói những điều mà bình thường bạn không nói
- sẽ làm những việc nguy hiểm hoặc liều lĩnh
- sẽ quên những việc đã làm trong lúc uống rượu
- bị say nguội vào ngày hôm sau.
Ảnh hưởng của thức uống có cồn lên mỗi người là không giống nhau. Một số người vẫn gặp những tình trạng trên ngay cả khi họ không uống thường xuyên hoặc uống một lượng lớn.
Say nguội
Say nguội diễn ra sau khi bạn ngừng uống rượu và nồng độ cồn trong máu bắt đầu giảm. Hiện tượng này xảy ra vài giờ sau khi bạn ngừng uống, nhưng có thể bạn sẽ không nhận ra cho đến khi ngủ dậy. Các triệu chứng của say nguội:
- đau đầu
- buồn nôn
- khó ngủ
- cáu kỉnh và bồn chồn.
Đây là những cảm giác do rượu và các hóa chất khác trong rượu gây ra, khiến bạn bị mất nước và hạ đường huyết.
Không có phương pháp tuyệt đối nào để chấm dứt tình trạng say nguội. Tuy nhiên, bạn nên uống nhiều nước và tránh tiếp tục uống rượu để cơ thể có thời gian phục hồi hoàn toàn.
Nếu bạn không bị say nguội sau khi uống rượu thì đây chưa hẳn là dấu hiệu tốt. Không bị say nguội có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đã quen với việc uống nhiều rượu và có thể bạn đã bị phụ thuộc rượu.
Mất trí nhớ tạm thời
Khi uống rất nhiều rượu trong một thời gian ngắn, bạn sẽ bị mất trí nhớ tạm thời và sẽ không nhớ được chuyện gì đã xảy ra trong cơn say. Có thể bạn sẽ không nhớ được những điều đã nói, những việc đã làm, hoặc thậm chí không nhớ được mình đã ở đâu. Khi bị mất trí nhớ tạm thời, bạn có thể sẽ làm những việc sau này khiến bản thân phải hối hận, đưa mình vào tình thế nguy hiểm hoặc bị người khác làm hại.
Mất trí nhớ tạm thời xảy ra do cồn ngăn chặn não bộ ghi nhận ký ức mới. Mất trí nhớ tạm thời là dấu hiệu cảnh báo bạn đang uống quá nhiều. Đây cũng là dấu hiệu sớm cho thấy rượu đang gây tổn hại đến não bộ của bạn và bạn có thể bị nghiện rượu.
Ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu là khi bạn uống quá nhiều, dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng đến mức nguy hiểm. Ngộ độc rượu có thể làm chậm nhịp thở, khiến bạn bất tỉnh hoặc lên cơn động kinh và có thể gây tử vong.
Trang web của NHS có danh sách các dấu hiệu cho thấy một người có khả năng bị ngộ độc rượu.
Nếu bạn cho rằng bản thân hoặc người quen bị ngộ độc rượu, hãy gọi 999 ngay lập tức.
Việc sử dụng thức uống có cồn gây những tác hại gì về lâu dài?
Rượu và cơ thể
Nếu uống rượu quá nhiều hoặc thường xuyên trong thời gian dài, bạn sẽ tăng nguy cơ bị:
- thương tích về thể chất
- cao huyết áp
- suy tim
- đột quỵ
- viêm tụy – đây là tình trạng tuyến tụy bị viêm và tổn thương
- bệnh gan – bệnh gan do rượu sẽ xảy ra theo từng giai đoạn. bệnh có thể làm gan bị tổn thương vĩnh viễn và xơ hóa
- ung thư, bao gồm ung thư gan, miệng, đầu và cổ, ung thư vú và dạ dày
- các vấn đề về tình dục như bất lực hoặc xuất tinh sớm
- vô sinh
- tổn thương não – đọc thêm về tổn thương não liên quan đến rượu trong tài liệu này
Phụ thuộc rượu
Phụ thuộc rượu còn được gọi là nghiện rượu. Người phụ thuộc rượu đôi khi còn được gọi là “người nghiện rượu”. Một số cách gọi có thể bị xem là mang tính kỳ thị.
Khoảng 1 trong 100 người trưởng thành ở Anh bị phụ thuộc rượu. Triệu chứng của người phụ thuộc rượu:
- cảm giác thôi thúc uống rượu mãnh liệt
- khó kiểm soát lượng rượu uống vào
- vẫn tiếp tục uống rượu, ngay cả khi rượu đã làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của mình.
Bạn không nhất thiết phải uống một lượng nhất định hoặc ngày nào cũng uống mới bị xem là phụ thuộc rượu.
Một số người phụ thuộc rượu cũng sẽ có các triệu chứng cơ năng như:
- Lờn rượu - Nếu bạn thường xuyên uống nhiều rượu, theo thời gian não của bạn sẽ kém phản ứng với những tác động tích cực của rượu. Bạn sẽ cần phải uống nhiều rượu hơn hoặc dùng rượu mạnh hơn mới có được cảm giác như trước đó. Điều này có nghĩa là bạn đã bị “lờn” rượu.
- Triệu chứng cai rượu – Nếu bạn bị phụ thuộc rượu, trong não của bạn sẽ có sự thay đổi về cân bằng giữa chất dẫn truyền thần kinh GABA và glutamate. Có nghĩa là nếu bạn ngừng hoặc giảm sử dụng rượu bia một cách đột ngột, não của bạn sẽ phản ứng dữ dội. Từ đó bạn có thể cảm thấy lo lắng, cáu kỉnh, run rẩy và toát mồ hôi. Những triệu chứng này được gọi là triệu chứng cai rượu.
Hội chứng cai rượu
Hội chứng cai rượu xảy ra khi một người ngừng sử dụng thức uống có cồn sau khi đã uống nhiều trong thời gian dài.
Tình trạng này thường bắt đầu trong vòng một hoặc hai ngày sau khi ngừng sử dụng thức uống có cồn và có thể kéo dài tới ba ngày.
Những người mắc hội chứng cai rượu sẽ gặp phải một số triệu chứng cơ năng sau:
- run rẩy
- buồn nôn
- khó ngủ
- tim đập nhanh
- cao huyết áp
- co giật
Cùng một số triệu chứng tâm lý sau đây:
- sợ hãi
- trầm cảm
- kích động
- ảo giác (nhìn thấy, cảm thấy hoặc nghe thấy những thứ không tồn tại)
Hội chứng cai rượu là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy liên hệ với bác sĩ gia đình hoặc chuyên gia sức khỏe để được hỗ trợ.
Hội chứng cai rượu được điều trị như thế nào?
Cách điều trị hội chứng cai rượu sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số người có thể dừng uống rượu mà không cần đến điều trị y tế. Tuy nhiên, một số người khác cần phải được điều trị và hỗ trợ chuyên khoa nếu các triệu chứng cai nghiện của họ ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng.
Hội chứng cai rượu có thể được điều trị bằng một loại thuốc có tên gọi benzodiazepine. Nếu mắc hội chứng cai rượu, bạn sẽ được điều trị một đợt thuốc benzodiazepine trong vài ngày hoặc cho đến khi các triệu chứng cai rượu chấm dứt.
Sau đó, bạn cần giảm dần liều benzodiazepine cho đến khi ngừng thuốc hoàn toàn. Lý do là vì benzodiazepin sẽ gây nghiện nếu sử dụng trong thời gian dài.
Một số người sẽ cần phải nhập viện để điều trị hội chứng cai rượu.
Sảng rượu
Sảng rượu (Delirium tremens, DT) là một biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm của hội chứng cai rượu. “Mê sảng” (Delirium) là trạng thái mất phương hướng, thường kèm theo ảo giác và hoang tưởng. “Run rẩy” (Tremens) là tình trạng run rẩy hoặc bủn rủn tay chân trong quá trình cai rượu.
Sảng rượu là một trường hợp y tế khẩn cấp. Người bị sảng rượu luôn có nguy cơ tử vong. Người bị sảng rượu cần phải nhập viện để được hỗ trợ y tế ngay lập tức.
Triệu chứng sảng rượu là gì?
Nếu bị sảng rượu, bạn sẽ có một số triệu chứng của hội chứng cai rượu, kèm theo:
- khó nhận biết được sự việc đang xảy ra xung quanh
- không biết mình đang ở đâu, tại sao lại ở đó hoặc bây giờ là mấy giờ
- nhìn thấy hoặc nghe thấy những thứ không có thật, chẳng hạn như động vật nhỏ hoặc côn trùng, tiếng động hoặc giọng nói
- cảm thấy như thể bạn đang gặp nguy hiểm
- cảm thấy sợ hãi hoặc có hành động hung hăng
Sảng rượu rất nguy hiểm và có thể gây ra:
- mất nước
- mất cân bằng hóa học
- tăng gánh nặng cho tim
- suy giảm khả năng chống nhiễm trùng.
Cách điều trị sảng rượu là gì?
Nếu bị sảng rượu, bạn cần phải nhập viện. Bệnh viện sẽ có phương pháp điều trị để giảm mức độ nghiêm trọng của hội chứng cai rượu. Phương pháp phổ biến là dùng thuốc benzodiazepine.
Ảo giác do rượu
Ảo giác do rượu là tình trạng nghe thấy âm thanh, giọng nói hoặc tiếng nhạc mặc dù bạn không say hoặc không ngừng sử dụng rượu một cách đột ngột. Điều này có thể xảy ra nếu bạn uống rượu thường xuyên và bị phụ thuộc rượu. Tình trạng này khác với sảng rượu. Ảo giác do rượu có thể tiếp diễn ngay cả sau khi bạn đã ngừng uống rượu.
Tổn thương não liên quan đến rượu
Tổn thương não liên quan đến rượu (Alcohol-related brain damage, ARBD) có thể xảy ra nếu bạn uống rượu ở mức độ cao, hằng ngày trong thời gian dài.
Các nghiên cứu cho thấy cứ 10 người nghiện rượu thì có tới 3 người có thể mắc ARBD.
Những thay đổi về trí nhớ và tư duy liên quan đến ARBD rất có thể hay xảy ra ở:
- nữ giới uống trên 50 đơn vị cồn mỗi tuần từ 5 năm trở lên
- nam giới uống trên 60 đơn vị cồn mỗi tuần từ 5 năm trở lên.
Mặc dù người trong độ tuổi 50 thường bị ARBD, nhưng lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh này. Phụ nữ uống nhiều rượu có xu hướng gặp vấn đề về trí nhớ và tư duy sớm hơn nam giới.
Rượu gây hại cho não bộ như thế nào?
Uống nhiều rượu trong thời gian dài sẽ dẫn đến một số vấn đề có khả năng gây tổn thương não, bao gồm:
- Tổn thương tế bào thần kinh – Điều này dẫn đến các vấn đề về trí nhớ và thay đổi hành vi.
- Thiếu vitamin – Rượu khiến cơ thể bạn khó hấp thụ vitamin B1 và các chất dinh dưỡng khác. Nếu không có đủ vitamin B1, các tế bào não của bạn có thể bị tổn thương. Nếu uống nhiều rượu, bạn có thể sẽ quên việc ăn uống đầy đủ, điều này có thể gây thêm tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.
- Cung cấp máu lên não – Nếu uống nhiều rượu, bạn sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn, từ đó có thể làm tổn thương mạch máu lên não.
- Chấn thương đầu – Nếu uống nhiều rượu, bạn sẽ có nhiều khả năng bị chấn thương đầu hơn. Những chấn thương này có thể gây tổn thương trực tiếp cho não của bạn.
- Tổn thương tiểu não – Đây là phần não chịu trách nhiệm thăng bằng và đi lại. Phần não này có thể bị rượu tác động nghiêm trọng và làm tăng nguy cơ té ngã.
- Teo não – Não của chúng ta có xu hướng nhỏ hoặc teo lại khi chúng ta già đi. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống nhiều rượu có thể làm tăng mức độ teo não.
Làm thế nào để biết rượu có đang gây tổn thương đến não của tôi hay không?
Nếu não bị tổn thương do rượu, bạn có thể nhận thấy rằng bản thân:
- trở nên cáu kỉnh
- khó tập trung và dễ bị phân tâm bởi xung quanh hoặc do chính suy nghĩ của mình
- lơ là việc chăm sóc bản thân
- không nhớ nổi một giai đoạn nào đó hoặc những việc đã làm
- mất khả năng kiềm chế và bắt đầu:
- nói những lời lẽ không phù hợp, ví dụ như gây khó chịu hoặc đe dọa người khác
- xâm hại người khác về mặt thể chất, cảm xúc hoặc tình dục.
Những thay đổi này là do tác động của rượu lên vùng não trước, nơi có chức năng kiểm soát hành vi và tương tác xã hội.
Có những loại ARBD nào?
ARBD có nhiều loại, bao gồm:
- Bệnh não Wernicke
- Hội chứng Korsakoff
- Mất trí nhớ liên quan đến rượu
Bệnh não Wernicke
Bệnh não Wernicke xảy ra khi cơ thể bạn thiếu hụt vitamin B1. Nếu mắc bệnh não Wernicke, bạn có thể sẽ đột ngột gặp một trong ba hiện tượng sau:
- bạn sẽ trở nên lẫn lộn và mất phương hướng, chẳng hạn như không biết mình đang ở đâu hoặc bây giờ là mấy giờ
- bạn sẽ đứng không vững
- mắt bạn sẽ liên tục đảo sang hai bên (gọi là chứng “rung giật nhãn cầu”)
Trong ba hiện tượng trên, đa số mọi người (80%) chỉ có biểu hiện lẫn lộn.
Bệnh não Wernicke là bệnh gây đe dọa tính mạng nhưng có thể chữa khỏi nếu được cấp cứu kịp thời. Phương pháp điều trị bệnh não Wernicke là tiêm truyền vitamin B1. Chất này thường được truyền nhỏ giọt tại bệnh viện hoặc tiêm tại nhà.
Nếu bạn hoặc người quen của bạn có dấu hiệu của bệnh não Wernicke, hãy gọi 999 ngay lập tức.
Bệnh não Wernicke kéo dài trong vài ngày. Thật không may, mọi người có thể không để ý hoặc dễ nhầm bệnh này với tình trạng say rượu. Nếu không được điều trị, người mắc bệnh não Wernicke có thể gặp phải các vấn đề về trí nhớ vĩnh viễn. Những vấn đề này được gọi là Hội chứng Korsakoff.
Hội chứng Korsakoff
Hội chứng Korsakoff xảy ra khi bệnh não Wernicke không được điều trị. Nếu mắc Hội chứng Korsakoff, bạn có thể biểu hiện các dấu hiệu tổn thương não, chẳng hạn như:
- thay đổi tính cách
- không thể nhớ sự việc xảy ra trong thời gian gần đây. Bạn vẫn có thể đọc, viết và tập trung.
- khó học những thứ mới
- mất ký ức về những việc đã xảy ra trước khi mắc bệnh
- “bịa chuyện” – đây là phản ứng cố gắng lấp đầy khoảng trống trong trí nhớ bằng những thông tin không chính xác. Ví dụ: sử dụng ký ức cũ ở sai chỗ. Bạn sẽ không ý thức được bạn đang làm việc này, mặc dù người khác thì có thể thấy.
Mất trí nhớ liên quan đến rượu
Sa sút trí tuệ hay mất trí nhớ là thuật ngữ chung cho các vấn đề về trí nhớ, cũng như sự chuyển biến xấu đi về mặt tư duy và tính cách theo thời gian. Mất trí nhớ thường gặp ở người lớn tuổi.
Rượu có thể gây ra chứng mất trí nhớ vì làm tổn thương các tế bào não. Mất trí nhớ do rượu gây ra các vấn đề về:
- trí nhớ
- khả năng giải quyết vấn đề
- thay đổi tính cách.
Khác với các dạng mất trí nhớ khác, nếu bị mất trí nhớ do rượu, bạn sẽ không mất đi khả năng ngôn ngữ. Tuy nhiên, điều này có thể khiến người khác khó nhận ra rằng bạn bị mất trí nhớ do rượu. Các triệu chứng của bệnh mất trí do rượu có thể bị nhầm lẫn với các biểu hiện say rượu. Ví dụ: bạn trông như thiếu động lực hoặc có hành vi không phù hợp.
Hầu hết các chứng mất trí nhớ đều trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Tuy nhiên, nếu người mắc chứng mất trí nhớ do rượu ngừng uống thì bệnh tình sẽ có thể ngừng chuyển biến xấu, thậm chí còn cải thiện.
Tôi có thể phục hồi sau khi bị tổn thương não do rượu không?
Nếu bạn bị ARBD nhẹ, trí nhớ và các kỹ năng tư duy khác của bạn thường sẽ cải thiện đáng kể sau khi bạn ngừng uống rượu, mặc dù điều này có thể mất một thời gian.
Nếu bạn bị ARBD nặng, nhất là khi bị Hội chứng Korsakoff, tình trạng có thể cải thiện sau hai hoặc ba năm kể từ khi bạn ngừng uống rượu. Tuy nhiên, một số người sẽ gặp phải vấn đề nghiêm trọng và cần được chăm sóc lâu dài.
Đối với người mắc ARBD và ngừng uống rượu, ước tính rằng:
- Cứ 4 người thì có 1 người sẽ hồi phục hoàn toàn
- Cứ 4 người thì có 2 người sẽ hồi phục phần nào, và vẫn còn một số vấn đề
- Cứ 4 người thì có 1 người sẽ tiếp tục mắc những vấn đề nghiêm trọng.
Người càng lớn tuổi thì khả năng phục hồi càng thấp.
Nếu bạn mắc ARBD và bệnh này ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của bạn, bạn có thể yêu cầu hưởng trợ cấp hoặc các hình thức hỗ trợ khác. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các phúc lợi, hỗ trợ tài chính và tư vấn nợ trên trang web của chúng tôi.
Tôi có thể liên hệ ai để được trợ giúp cai rượu?
Nếu bạn lo lắng rằng mình đang uống rượu quá nhiều và muốn được trợ giúp cai rượu hoặc sử dụng thức uống có cồn an toàn, hãy trao đổi với bác sĩ gia đình. Họ sẽ hỏi bạn:
- lượng rượu bạn uống vào
- tần suất uống rượu của bạn
- tiền sử sử dụng rượu của bạn
- liệu bạn có bất kỳ rối loạn sử dụng chất nào khác
- liệu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc thể chất nào khác.
Thông tin này sẽ giúp họ xác định hình thức hỗ trợ phù hợp cho bạn.
Bạn cũng có thể tự liên hệ dịch vụ hỗ trợ cai rượu tại địa phương mà không cần bác sĩ gia đình giới thiệu. Bạn có thể sử dụng trang web Frank để tìm dịch vụ gần bạn.
Tự trợ giúp
Một số người có thể giảm lượng rượu uống vào hoặc ngừng uống mà không cần đến sự trợ giúp của chuyên gia.
Hiện nay có một số nguồn hỗ trợ trực tuyến tuyệt vời có thể giúp bạn tìm hình thức hỗ trợ phù hợp với mình nhất. Bác sĩ gia đình cũng có thể giới thiệu cho bạn những tổ chức hoặc nhóm hỗ trợ tại địa phương nhằm giúp bạn cai rượu hoặc giảm lượng rượu uống vào.
Nếu bạn nghiện rượu và gặp khó khăn trong việc tự cai rượu, họ có thể hỗ trợ thêm cho bạn. Chẳng hạn như giới thiệu bạn đến dịch vụ cai nghiện cộng đồng.
Liệu pháp tâm lý
Bạn có thể được chỉ định một liệu pháp tâm lý, chẳng hạn như
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
- Liệu pháp hành vi và mạng lưới xã hội
- Liệu pháp hành vi khác.
Những liệu pháp trên sẽ giúp bạn hiểu được lý do khiến bạn sử dụng rượu cũng như tác hại của rượu đến hành vi và đời sống xã hội của bạn.
Sử dụng thuốc
Cai rượu nhờ can thiệp y tế
Nếu nghiện rượu nặng, bạn có thể cần trợ giúp để cai rượu an toàn. Các dịch vụ hỗ trợ cai rượu sẽ đánh giá để quyết định xem bạn có thể cai rượu tại nhà hay cần đến trung tâm điều trị nghiện rượu chuyên khoa.
Thuốc ngăn ngừa tái nghiện
Các loại thuốc có thể giúp bạn ngăn ngừa việc tái uống rượu bao gồm:
- Acamprosate - Đây là loại thuốc có thể giúp giảm cơn thèm rượu. Bạn có thể được kê thuốc acamprosate sau khi ngừng uống rượu và có thể phải dùng thuốc trong vòng 6 tháng.
- Naltrexone - Đây là loại thuốc làm mất tác dụng của cồn, từ đó khiến con người mất cảm hứng uống rượu. Bạn có thể dùng thuốc này trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn.
- Disulfiram - Bạn có thể sẽ được kê loại thuốc này nếu đã từng dùng acamprosate và naltrexone nhưng không có tác dụng, hoặc vì lý do nào đó mà bạn không thể dùng những loại thuốc trên.
Phục hồi chức năng nội trú
Bạn có thể sẽ được bố trí một giường trong khu phục hồi chức năng nội trú nếu bạn cũng đang gặp phải:
- bệnh lý thể chất
- bệnh lý tâm thần
- các vấn đề xã hội, chẳng hạn như nhà ở hoặc tài chính.
Thời gian phục hồi tối đa là 3 tháng. Việc bạn có được hưởng dịch vụ phục hồi chức năng nội trú hay không còn tùy thuộc vào khu vực bạn sinh sống có dịch vụ này hay không.
Ngừng uống rượu đột ngột có nguy hiểm không?
Nếu việc uống rượu ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất hoặc tâm thần của bạn, có lẽ bạn sẽ muốn giảm uống rượu hoặc ngừng hẳn việc uống rượu. Tuy nhiên, điều này có thể rất nguy hiểm nếu bạn đã quen uống nhiều rượu mỗi ngày hoặc đã uống rượu trong một khoảng thời gian dài.
Việc ngừng uống rượu đột ngột có thể khiến bạn:
- mắc các triệu chứng cai rượu
- lên cơn động kinh - tình trạng này thường xảy ra trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi bạn ngừng sử dụng rượu. Triệu chứng này thường sẽ xuất hiện sau triệu chứng cai rượu.
- phát triển các biến chứng của triệu chứng cai rượu nghiêm trọng. Ví dụ: sảng rượu, bệnh não Wernicke hoặc hội chứng Korsakoff.
Điều quan trọng là phải ngừng uống rượu một cách từ từ. Cách an toàn nhất là nhờ người khác giúp đỡ, nhất là khi bạn đã uống nhiều rượu trong thời gian dài.
Tôi có thể làm gì để giúp người bị phụ thuộc rượu?
Rượu là chất gây nghiện và rất khó để cai. Nếu bạn có người thân nghiện rượu và muốn hỗ trợ họ, hãy cân nhắc thực hiện những việc sau:
- Tìm hiểu thêm - Hiểu được phụ thuộc rượu là gì và nguyên lý của tình trạng này có thể giúp bạn nắm rõ hơn về người bạn muốn hỗ trợ và hoàn cảnh mà cả hai đang trải qua.
- Điều chỉnh kỳ vọng - Việc đã ngừng uống rượu trong thời gian dài và sau đó tiếp tục uống trở lại là chuyện rất bình thường. Mặc dù việc này có thể giống như một bước thụt lùi, nhưng hãy nhớ rằng đây không có nghĩa là họ hoặc bạn đã “thất bại”. Điều này cũng không có nghĩa là sau này họ sẽ không thể cai rượu được.
- Hiểu những gì bạn có thể và không thể làm - Người quen của bạn phải muốn ngừng hoặc cắt giảm rượu, và bạn chỉ có thể giúp họ đưa ra lựa chọn đó trong chừng mực nhất định. Mọi việc có thể sẽ khó khăn hơn nếu người nghiện rượu mà bạn quen đang tự làm hại mình hoặc làm hại người khác. Hãy tìm một người mà bạn có thể thoải mái giãi bày tâm sự.
- Tìm sự hỗ trợ cho bản thân - Nếu bạn biết ai đó nghiện rượu, bác sĩ gia đình có thể giới thiệu bạn tìm sự trợ giúp từ các tổ chức địa phương. Một vài tổ chức hoặc nhóm chuyên hỗ trợ cho gia đình và bạn bè.
- Giữ an toàn - Nếu người nghiện rượu khiến bạn hoặc người thân của bạn gặp nguy hiểm, hãy trao đổi vấn đề với một người đáng tin cậy. Gọi 999 nếu bạn đang ở trong tình trạng nguy hiểm cận kề.
Thông tin và dịch vụ hỗ trợ khác
Thông tin về rượu
Tư vấn về rượu, NHS - Thông tin về thức uống có cồn, cách tính đơn vị cồn, lượng calo và mẹo giảm uống rượu.
Dịch vụ hỗ trợ cai rượu
Hãy truy cập các trang web sau để tìm dịch vụ hỗ trợ cai rượu tại nơi bạn sống:
Alcohol Change UK – Alcohol Change UK là tổ chức từ thiện về cai nghiện rượu hàng đầu tại Vương quốc Anh, tiền thân là Alcohol Concern và Alcohol Research UK sáp nhập lại. Tổ chức này cung cấp các thông tin về rượu và cách quản lý việc sử dụng thức uống có cồn.
Thông tin về nghiện rượu
Rối loạn sử dụng rượu: chẩn đoán, đánh giá và quản lý thói quen sử dụng thức uống có cồn gây hại (thói quen uống rượu nguy cơ cao) và phụ thuộc rượu, NICE - Thông tin do National Institute for Health and Care Excellence biên soạn cho cộng đồng nhằm giúp người nghiện rượu nắm được những dịch vụ chăm sóc mà họ có quyền hưởng.
SMART Recovery – SMART Recovery là một tổ chức từ thiện cung cấp mạng lưới quốc gia cho các buổi gặp mặt hỗ trợ lẫn nhau và các chương trình đào tạo trực tuyến để giúp mọi người phòng tránh các hành vi gây nghiện.
Alcoholics Anonymous (AA) - AA là một nhóm tự giúp đỡ, hoạt động với mục đích hỗ trợ người trong quá trình hồi phục từ chứng nghiện rượu. Nhóm này tổ chức các buổi gặp mặt trên toàn Vương quốc Anh cũng như ở nước ngoài.
With You - With You (tiền thân là Addaction) là tổ chức từ thiện hỗ trợ những người mắc chứng rối loạn sử dụng rượu hoặc sử dụng chất. Tổ chức này cung cấp thông tin, dịch vụ tại Anh và Scotland, đồng thời còn có dịch vụ hỗ trợ trực tuyến.
Nacoa - Nacoa là tổ chức từ thiện cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng từ việc sử dụng rượu của bố mẹ.
Thông tin cho bạn bè, gia đình và người chăm sóc
Alcohol Change UK cung cấp danh mục các dịch vụ hỗ trợ dành cho bạn bè và người thân.
Thông tin về ARBD
- Alcohol-related brain damage: the road to recovery, Alcohol Change UK – Cuốn cẩm nang dành cho các gia đình, người chăm sóc và bạn bè của người bị tổn thương não do rượu (ARBD).
- ARBD Network – Mạng lưới giúp nâng cao nhận thức về tổn thương não do rượu dành cho nhân viên y tế và cộng đồng thông qua hoạt động giáo dục và phổ biến thông tin.
Tài nguyên hỗ trợ về bạo lực gia đình
Nếu bạn hoặc người quen của bạn đang bị bạo lực gia đình do việc sử dụng rượu của một người nào đó gây ra, hoặc nếu bạn cho rằng việc sử dụng rượu khiến bạn có hành vi lạm dụng, sau đây là một số nguồn thông tin hữu ích:
- Domestic abuse: how to get help, Gov.uk – Trang web cung cấp nhiều nguồn lực hỗ trợ hữu ích cho người bị bạo lực gia đình ở Vương quốc Anh.
- Đường dây hỗ trợ Respect – Respect là tổ chức từ thiện chuyên hỗ trợ người cho rằng họ có thể đang có hành vi lạm dụng và muốn được giúp đỡ.
- Báo cáo trường hợp lạm dụng trẻ em, NSPCC – Nếu bạn lo ngại rằng trẻ em đang bị lạm dụng hoặc bỏ bê, NSPCC có thể cho bạn lời khuyên.
Hướng dẫn về các đơn vị cồn
Bia, nước hoa quả lên men và nước ngọt có gas pha rượu
Nồng độ cồn (ABV) | Nửa pint | Pint | Chai/lon (330ml) | Chai/lon (500ml) | |
---|---|---|---|---|---|
Bia, lager hoặc nước hoa quả lên men nhẹ | 3% - 4% | 1 đơn vị | 2 đơn vị | 1,5 đơn vị | 2 đơn vị |
Bia, lager hoặc nước hoa quả lên men vừa | 4% - 5% | 1,5 đơn vị | 3 đơn vị | 1,7 đơn vị | 2,5 đơn vị |
Bia, lager hoặc nước hoa quả lên men nặng | 7,5% - 9% | 2,5 đơn vị | 5 đơn vị | 3 đơn vị | 4,5 đơn vị |
Nước ngọt có gas pha rượu | 5% | - | - | 1,7 đơn vị | - |
Rượu vang và rượu mạnh
Nồng độ cồn (ABV) | Shot đơn (25ml) | Shot đôi (50ml) | Ly vang nhỏ (125ml) | Ly vang lớn (250ml) | Chai (750ml) | |
Rượu vang | 12% - 14% | - | - | 1,5 đến 1,8 đơn vị | 3 đến 3,5 đơn vị | 9 đến 10,5 đơn vị |
Vang cường hóa (sherry, martini, port) | 15% - 20% | - | 1 đơn vị | - | - | 14 đơn vị |
Rượu mạnh (whisky, vodka, gin) | 40% | 1 đơn vị | 2 đơn vị | - | - | 30 đơn vị |
Bảng theo dõi lượng rượu tiêu thụ
Hầu hết chúng ta đều đánh giá thấp lượng rượu mình đã uống. Để biết chính xác lượng rượu đã uống, hãy ghi nhật ký số lượng rượu bạn uống mỗi lần trong suốt 1 tuần.
Cách này sẽ giúp bạn ý thức rõ số lượng rượu bạn đã nạp vào. Cách này còn giúp bạn nhận biết những tình huống rủi ro – thời gian, địa điểm và đối tượng làm bạn uống nhiều rượu hơn.
Ngày | Uống bao nhiêu? | Uống khi nào? | Uống ở đâu? | Uống với ai? | Đơn vị | Tổng cộng |
---|---|---|---|---|---|---|
Thứ 2 | ||||||
Thứ 3 | ||||||
Thứ 4 | ||||||
Thứ 5 | ||||||
Thứ 6 | ||||||
Thứ 7 | ||||||
Chủ nhật | ||||||
Tổng cộng trong tuần |
Nguồn
Những thông tin này được Ban biên tập Tương tác Công chúng (Public Engagement Editorial Board, PEEB) thuộc Đại học Tâm thần học Hoàng gia (Royal College of Psychiatrists) biên soạn. Nội dung sử dụng những dẫn chứng đáng tin cậy nhất hiện có tại thời điểm biên soạn.
Tác giả chuyên môn: Tiến sĩ Jim Bolton, Tiến sĩ Tony Rao, Giáo sư Wendy Burn và Giáo sư Julia Sinclair
Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến cô Diane Goslar (người sử dụng dịch vụ) vì những đóng góp trong quá trình biên soạn tài liệu này.
Danh sách toàn bộ tài liệu tham khảo sẽ được cung cấp theo yêu cầu.
This translation was produced by CLEAR Global (Feb 2025)