Bệnh lý thể chất và sức khỏe tâm thần
Physical illness and mental health
Below is a Vietnamese translation of our information resource on physical illness and mental health. You can also view our other Vietnamese translations.
Nhiều người trong chúng ta, vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống, sẽ mắc phải bệnh lý thể chất có tính nghiêm trọng hoặc thay đổi cuộc sống. Bệnh tật và việc điều trị liên quan đều có khả năng tác động đến cách suy nghĩ và cảm nhận của chúng ta. Thông tin này dành cho bất cứ ai mắc loại bệnh lý thể chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, và người chăm sóc họ.
Bệnh lý thể chất gây ra tác động gì?
Việc mắc một bệnh lý thể chất có thể tác động đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Nó có thể tác động đến các hoạt động thực tiễn trong cuộc sống như:
- Công việc - Bạn có thể phải ngừng làm việc, làm ít lại hoặc phải thay đổi công việc.
- Sinh hoạt hàng ngày - Bạn có thể gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động yêu thích, hoặc không thể gặp gỡ bạn bè và gia đình nhiều như mong muốn. Bạn có thể cần đến sự hỗ trợ của bạn bè, gia đình hoặc dịch vụ chuyên nghiệp để thực hiện những điều bản thân từng tự thực hiện được trước đây.
- Tài chính - Bệnh lý thể chất có thể tác động đến tình hình tài chính của bạn vì nhiều nguyên nhân. Ví dụ, chi phí đi lại cho những lần khám bệnh khiến bạn hoặc người hỗ trợ bạn đi làm ít lại.
- Thời gian tại bệnh viện - Bạn có thể cần điều trị hoặc phẫu thuật tại bệnh viện. Điều này có nghĩa là bạn phải dành thời gian rời xa gia đình và các mạng lưới hỗ trợ thông thường.
Bệnh lý thể chất cũng có thể tác động tiêu cực tới cách bạn suy nghĩ hoặc cảm nhận:
- Căng thẳng - Hiển nhiên là bệnh lý thể chất có thể khiến bạn lo lắng về tương lai và cảm thấy căng thẳng về tình trạng hiện tại. Bạn có thể cảm thấy đặc biệt lo lắng về một số việc. Ví dụ như lo lắng về một kết quả chẩn đoán quan trọng, hay sắp xếp việc chăm sóc con cái nếu bạn phải nhập viện.
- Ý thức về bản thân - Bệnh lý thể chất có thể khiến bạn cảm thấy mất kiểm soát đối với cơ thể hay cuộc sống của bạn. Mắc bệnh lý thể chất khiến bạn khó kiểm soát như thường lệ. Điều này có thể khiến bạn khó chịu và bực bội.
- Các mối quan hệ - Bệnh lý thể chất cũng có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn và xa cách bạn bè và gia đình. Bạn có thể không muốn chia sẻ với họ cảm xúc của mình để tránh làm họ lo lắng hay khó chịu. Hoặc bạn muốn chia sẻ những điều bạn đã trải qua nhưng cảm thấy có thể họ sẽ không hiểu được.
- Nhận biết thế giới - Bệnh lý thể chất khiến bạn tự vấn về thế giới xung quanh và hiểu biết của bản thân rằng điều gì là công bằng và đúng đắn. Một số người nhận ra bệnh lý tác động đến niềm tin tâm linh và tôn giáo.
Nếu bệnh lý thể chất của bạn có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp. Nhân viên chăm sóc sức khỏe thể chất sẽ muốn biết liệu bạn có cần sự trợ giúp về sức khỏe tâm thần không. Họ có thể giới thiệu bạn đến các chuyên gia hoặc các tổ chức khác có khả năng hỗ trợ bạn.
Làm thế nào tôi có thể biết được bệnh lý thể chất đang ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của mình?
Bệnh lý thể chất có thể tác động đến sức khỏe tâm thần theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào việc bạn là ai và điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của bạn. Chúng tôi sẽ không liệt kê mọi vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhưng dưới đây là một số triệu chứng mà bạn cần để ý đến.
Lo âu
Nếu bạn đang trải qua cảm giác lo âu, bạn có thể nhận thấy:
- bạn luôn cảm thấy lo lắng về một hoặc nhiều vấn đề khác nhau
- bạn cảm thấy khó thư giãn
- bạn nhận thấy thay đổi trong nhịp thở, hệ thống tiêu hóa hay tốc độ nhịp tim.
- Bạn có thể đọc thêm về các triệu chứng về lo âu tại nguồn tham khảo của chúng tôi về chứng lo âu.
Trầm cảm
Nếu bạn đang trải qua chứng trầm cảm, bạn có thể thấy:
- bạn cảm thấy không vui vẻ hầu hết hoặc mọi thời điểm
- bạn cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn và nhận thấy những thay đổi trong giấc ngủ, chế độ ăn uống hay hứng thú về tình dục
- bạn cảm thấy không muốn tương tác với người khác.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về các triệu chứng trầm cảm tại nguồn tham khảo của chúng tôi về chứng trầm cảm.
Rối loạn điều chỉnh
Cảm giác lo lắng, đau buồn, hay khó chịu là hoàn toàn dễ hiểu khi bạn mắc một bệnh lý thể chất hoặc thương tật. Không có phản ứng nào là “bình thường” trong các tình huống khó khăn hay bất định.
Tuy nhiên nếu bạn khó “điều chỉnh” trong một hay một loạt các tình huống căng thẳng, thì có khả năng bạn đang bị “rối loạn điều chỉnh”.
Nếu bạn gặp rối loạn điều chỉnh, có thể bạn sẽ:
- không thể ngừng nghĩ về bệnh lý thể chất và ảnh hưởng của nó tới bạn
- cảm thấy lo lắng hay đau buồn quá mức khi nghĩ về bệnh lý thể chất
- gặp khó khăn trong việc ứng phó hay hoạt động, dẫn đến tác động tiêu cực lên các lĩnh vực khác nhau trong đời sống.
Nếu bạn mắc rối loạn điều chỉnh, các triệu chứng sẽ trở nên rõ ràng trong vòng một tháng sau khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh hoặc bị chấn thương.
Hội chứng Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)
Một số người có bệnh lý thể chất hoặc bị chấn thương sẽ mắc phải hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) xảy ra khi một người phát triển phản ứng tâm lý đối với một hay hàng loạt các sự kiện.
Các trải nghiệm có khả năng gây ra hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) bao gồm:
- được chẩn đoán mắc một bệnh lý thể chất nghiêm trọng
- trải qua điều trị đặc biệt
- trải qua một ca sinh nở phức tạp
- gặp một tai nạn nghiêm trọng.
Nếu bị hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), bạn có thể gặp các triệu chứng sau:
- có những ký ức hoặc giấc mơ không mong muốn hoặc gây đau buồn về sự kiện gây sang chấn
- cảm giác như đang trải qua sự kiện đó một lần nữa
- gặp khó khăn khi nhớ lại hoặc tránh nghĩ về sự kiện
- cảm thấy tách biệt khỏi bạn bè và gia đình
- cảm thấy tiêu cực về bản thân, người khác hoặc cả thế giới
- không còn thấy vui vẻ trước những điều bạn đã từng yêu thích, và khó cảm thấy hạnh phúc hoặc hài lòng
- cảm giác khó chịu và khó tập trung hoặc ngủ
- thái độ hung hăng với người khác
- làm những việc nguy hiểm hoặc liều lĩnh.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) ở đây.
Nhận ra bản thân không được khỏe
Nếu bạn đang trải qua bất kỳ bệnh lý tâm thần nào, mọi người xung quanh có thể nhận ra:
- bạn đang hành xử khác với bình thường
- bạn không muốn dùng thuốc hay điều trị bệnh lý thể chất của mình
- bạn bỏ lỡ các cuộc hẹn thăm khám.
Ngoài một số triệu chứng trên, bạn có thể nhận ra bản thân:
- cảm thấy mệt mỏi
- khó ngủ
- chán ăn.
Một số triệu chứng trên cũng có thể do bệnh lý thể chất hoặc việc điều trị y tế gây ra. Điều này có thể gây khó khăn cho bạn hoặc người chăm sóc trong việc khẳng định những gì bạn đang trải qua có “bình thường” hay không.
Hãy trò chuyện với bác sĩ hoặc người bạn tin cậy về cảm xúc của bản thân. Họ có thể giúp bạn biết được những thay đổi bạn đang trải qua liên quan đến bệnh lý thể chất hay sức khỏe tâm thần.
Bạn có thể đọc thêm về những vấn đề về sức khỏe tâm thần khác ở đây.
Tôi có dễ bị mắc bệnh lý tâm thần nếu đang có bệnh lý thể chất không?
Không phải ai mắc bệnh lý thể chất cũng gặp những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, những người có bệnh lý thể chất kéo dài thường có sức khỏe tâm thần ở mức độ thấp hơn. Nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa bệnh lý tâm thần và một số bệnh lý thể chất như:
- ung thư
- tiểu đường
- hen suyễn
- cao huyết áp
- động kinh.
Tuy nhiên, đây không phải là các bệnh lý thể chất duy nhất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Những người đang mắc các bệnh lý thể chất có nguy cơ mắc chứng trầm cảm cao gấp 2 đến 3 lần so với người có sức khỏe thể chất tốt.
Sức khỏe tâm thần và thể chất liên quan thế nào?
Mối liên hệ giữa bệnh lý tâm thần và bệnh lý thể chất không phải lúc nào cũng rõ ràng.
Tùy thuộc vào bạn là ai và loại bệnh lý tâm thần hoặc thể chất bạn đang có:
- mắc bệnh lý thể chất có thể khiến bạn dễ mắc bệnh lý tâm thần
- bệnh lý thể chất có thể liên quan đến bệnh lý tâm thần
- bệnh lý thể chất và bệnh lý tâm thần có thể không liên quan nhưng xảy ra đồng thời.
Một số yếu tố có thể góp phần trực tiếp làm cho sức khỏe tâm thần xấu đi, bao gồm:
- Căng thẳng - Mắc bệnh lý thể chất có thể rất căng thẳng, và căng thẳng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.
- Điều trị thuốc - Một số loại thuốc điều trị có thể ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động của não. Chẳng hạn, steroid đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra thay đổi tâm trạng và các triệu chứng loạn thần. Các triệu chứng loạn thần bao gồm:
- tin vào những điều không có thật
- khó suy nghĩ thông suốt
- trải nghiệm những thứ không có thật.
- Bệnh lý thể chất - Một số bệnh lý thể chất tác động đến cơ chế hoạt động của não. Chẳng hạn, người mắc bệnh suy giáp dễ mắc chứng trầm cảm và lo âu hơn.
Thời điểm nào tôi dễ mắc bệnh lý tâm thần nhất?
Bạn có nguy cơ suy giảm sức khỏe tâm thần khi thể chất suy yếu nếu:
- bạn đã từng gặp khó khăn với sức khỏe tâm thần hoặc đã từng được chẩn đoán mắc bệnh lý tâm thần trước đây
- bạn không có gia đình hay bạn bè để trò chuyện về tình trạng của mình
- bạn có những vấn đề hoặc yếu tố gây căng thẳng xảy ra đồng thời trong cuộc sống. Ví dụ, mất việc, ly hôn hoặc người thân qua đời. Đôi khi, kể cả những thay đổi tích cực trong cuộc sống cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của bạn nếu chúng đến bất ngờ hoặc gây căng thẳng.
- bệnh lý thể chất gây cho bạn nhiều đau đớn
- bạn mắc bệnh nan y hoặc đe dọa đến tính mạng
- bệnh tình khiến bạn không chăm sóc bản thân được.
Thời gian bạn thường cảm thấy sức khỏe tâm thần của mình kém nhất là:
- khi bạn lần đầu được thông báo về bệnh tình của mình
- sau khi trải qua đại phẫu hoặc gặp tác dụng phụ ngoài ý muốn từ việc điều trị
- bệnh tái phát sau khi bạn cho rằng bản thân đã thấy khỏe hơn. Chẳng hạn như tái phát ung thư hoặc lên cơn đâu tim lần thứ hai
- nếu việc điều trị ngưng tác động đến bệnh tình.
Khi nào tôi nên yêu cầu trợ giúp?
Bạn cảm thấy lo âu và tâm trạng không tốt khi mắc bệnh lý thể chất là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bạn nên tìm kiếm trợ giúp nếu bạn:
- đã từng gặp khó khăn với sức khỏe tâm thần, hoặc đã từng được chẩn đoán mắc bệnh lý tâm thần trước đây, hoặc cảm thấy mình lại không khoẻ
- cảm thấy tệ hơn trước
- không cảm thấy đỡ hơn chút nào
- thấy cảm xúc của bạn ảnh hưởng đến các mối quan hệ, công việc, sở thích hoặc cuộc sống hàng ngày
- cảm thấy cuộc sống không đáng sống, hoặc cảm thấy mọi người sẽ sống tốt hơn khi không có bạn.
Tôi không thể quyết định là có nên yêu cầu giúp đỡ hay không
Việc yêu cầu giúp đỡ có thể khó khăn khi bạn đang mắc bệnh lý thể chất. Việc có những suy nghĩ sau là phản ứng bình thường, dù cho chúng không chính xác:
- “Tôi phải tập trung vào sức khỏe thể chất của mình. Sức khỏe tâm thần của tôi không quan trọng bằng”. - Sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất có liên quan với nhau. Tinh thần khỏe mạnh có thể tác động tích cực đến sức khỏe thể chất.
- “Tôi còn phải tập trung vào những việc khác.” - Bạn có thể cảm thấy cần ưu tiên gia đình, tài chính, mái ấm hoặc công việc. Nhưng nếu bạn không dành thời gian cho sức khỏe tâm thần, bạn có thể trở nên sa sút. Nếu để đến mức đó, bạn sẽ không thể làm bất cứ điều quan trọng nào nêu trên cả.
- “Dĩ nhiên tôi thấy trầm cảm, tôi bị bệnh mà. Yêu cầu trợ giúp cũng chẳng ích gì”. - Việc bạn trải qua những khó khăn với sức khỏe tâm thần của mình là điều dễ hiểu. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa bạn không xứng đáng được giúp. Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc, hỗ trợ và quan tâm.
- “Tôi không muốn tỏ ra vô ơn, đội ngũ bác sĩ đang làm hết sức để giúp tôi.” - Bác sĩ của bạn sẽ muốn nghe bạn chia sẻ về sức khỏe tâm thần cũng như sức khỏe thể chất của mình. Tất cả đều nhằm giúp bạn khỏe mạnh và họ sẽ không nghĩ rằng bạn đang vô ơn khi hỏi xin trợ giúp.
Làm sao tôi có thể yêu cầu sự giúp đỡ?
Bạn có thể bắt đầu bằng cách trò chuyện về cảm xúc hiện tại của mình với người mà bạn tin tưởng. Việc chia sẻ cảm xúc thường có tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần.
Nếu bạn cần hỗ trợ thêm, hãy nói chuyện với bác sĩ gia đình hoặc đội ngũ y tế đang chăm sóc bạn với bệnh lý thể chất. Họ có thể cho bạn lời khuyên về loại hỗ trợ phù hợp và giúp bạn tiếp cận nó.
Có rất nhiều nhóm từ thiện và tổ chức giúp đỡ người đang sống chung với bệnh lý thể chất. Bạn có thể tìm hiểu thêm về những tổ chức này ở cuối nguồn thông tin này.
Nếu bạn đang được đội ngũ sức khoẻ tâm thần chăm sóc, bạn cũng nên nói cho họ biết bệnh lý thể chất bạn đang có. Thông tin này sẽ rất bổ ích với họ trong việc hỗ trợ bạn.
Tôi sẽ nhận được loại hình điều trị nào?
Loại hình điều trị bạn được đề nghị sẽ tùy vào:
- khó khăn bạn đang gặp phải
- tác động của chúng đến cuộc sống của bạn
- hoàn cảnh cá nhân của bạn.
Tùy vào vấn đề bạn đang gặp phải, bạn có thể được đề nghị:
- tâm lý trị liệu (còn gọi là liệu pháp trò chuyện)
- thuốc, ví dụ như thuốc chống trầm cảm
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) cũng đã được chứng minh là có ích với người đang chịu cơn đau.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về các phương pháp trị liệu cho các bệnh dưới đây qua tài liệu của chúng tôi:
Bạn có thể đọc thêm về các bệnh lý tâm thần và các phương pháp trị liệu liên quan ở đây.
Các phương pháp trị liệu này sẽ giúp ích như thế nào?
Trị liệu thông qua trò chuyện
Việc bày tỏ cảm xúc của bản thân có thể khó khăn, ngay cả với gia đình hay bạn bè. Đôi khi việc chia sẻ cảm xúc của bạn với người bạn biết rõ còn khó khăn hơn, nếu bạn không muốn làm họ lo lắng.
Vì vậy, việc trò chuyện với chuyên gia có thể dễ dàng hơn. Các chuyên gia có thể giúp bạn tìm được cách đương đầu tốt hơn với các cảm xúc, ý nghĩ, và các vấn đề thực tế.
Bạn có thể cảm thấy tốt hơn ngay sau khi bắt đầu liệu pháp trò chuyện, chỉ từ việc bạn có thể nói về những nỗi lo của bản thân. Hoặc liệu pháp cần nhiều thời gian hơn để cải thiện cảm xúc của bạn.
Thuốc
Tùy thuộc vào loại thuốc điều trị và loại hỗ trợ nào khác bạn đang nhận được.
Nhìn chung, thuốc điều trị giúp bạn cảm thấy khá hơn vừa đủ để bắt đầu có những thay đổi tích cực trong cuộc sống. Các loại thuốc thường phải mất một chút thời gian mới đem lại hiệu quả và cần phải được sử dụng theo đơn thuốc của bác sĩ.
Thuốc điều trị cũng giúp bạn ăn ngủ tốt hơn và làm dịu cơn đau. Trò chuyện với bác sĩ về khả năng thuốc điều trị có thể giúp ích cho bạn.
Tôi có thể sử dụng thuốc trị bệnh lý tâm thần trong khi tôi đang sử dụng thuốc trị bệnh lý thể chất không?
Nếu bạn có bệnh lý thể chất, bạn có thể cũng đang sử dụng thuốc điều trị liên quan. Bác sĩ sẽ cho bạn biết những loại thuốc nào không được dùng đồng thời. Họ cũng sẽ nói cho bạn biết các tác dụng phụ để bạn đề phòng.
Mọi loại thuốc điều trị đều có một số tác dụng phụ, mặc dù chúng thường nhẹ và giảm bớt khi bạn đã sử dụng một thời gian. Bạn cần chia sẻ với bác sĩ về mọi thay đổi thể chất hay cảm xúc của bạn.
Làm thế nào để tôi tự giúp bản thân?
Cùng với việc tìm sự trợ giúp của các chuyên gia, có một số việc bạn có thể làm để tự giúp bản thân:
Trò chuyện với người khác
Chia sẻ nỗi lo sợ và mối quan tâm của bạn với người thân thiết. Trò chuyện với người đã giúp đỡ bạn trong quá khứ và là một người biết lắng nghe.
Trò chuyện với bác sĩ của bạn
Đừng ngại hỏi bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ đa khoa về bệnh lý của bạn. Nếu có những điều liên quan đến bệnh lý hay cách điều trị mà bạn chưa rõ, họ có thể giải thích cho bạn biết.
Nhận hỗ trợ
Nhiều hội nhóm và tổ chức từ thiện có thể cung cấp các thông tin và sự hỗ trợ đáng tin cậy cho bạn. Bạn cũng có thể nói chuyện với những người có cùng bệnh lý thể chất và tiếp cận hỗ trợ cho người đồng cảnh ngộ.
Nộp đơn xin hỗ trợ tài chính
Nếu bạn bị một bệnh lý thể chất hoặc bệnh lý tâm thần, bạn có quyền nhận phúc lợi và hỗ trợ khác về tài chính.
Ăn uống điều độ
Cố gắng có một chế độ ăn uống cân bằng. Giảm cân hoặc tiêu thụ thức ăn không lành mạnh có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Định nghĩa về chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng có thể thay đổi nếu bạn bị rối loạn ăn uống.
Tập thể dục thường xuyên
Nếu được, hãy cố gắng tập thể dục thường xuyên. Bài thể dục có thể đơn giản như đi bộ hoặc tập yoga nhẹ nhàng trong vòng mười phút.
Duy trì sự cân bằng
Hãy cố gắng cân bằng giữa việc thúc đẩy bản thân vượt lên và việc nghỉ ngơi.
Làm điều tốt cho chính mình (chăm sóc bản thân)
Hãy dành thời gian cho các hoạt động thư giãn và thú vị trong ngày. Các hoạt động có thể bao gồm việc gọi điện cho bạn bè hay đọc sách trong vườn.
Tránh lạm dụng rượu bia
Tránh lạm dụng rượu bia vì điều này có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của bạn về lâu dài.
Tránh sử dụng chất gây nghiện để giải trí
Chất gây nghiện có tác dụng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của bạn và có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc điều trị khác. Bạn có thể tìm thêm thông tin và sự trợ giúp về các loại chất gây nghiện trên trang của chúng tôi.
Tự kê đơn
Một số người sử dụng bia rượu hay thuốc gây nghiện để đối phó với các vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc sức khỏe tâm thần. Hành động này đôi khi được gọi là “tự kê đơn”. Nó có thể hữu ích trong một thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, nó sẽ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Nếu bạn đang sử dụng chất gây nghiện hay rượu bia để đối phó với các cảm giác khó chịu, hãy nói cho bác sĩ biết.
Ngủ đủ giấc
Cố gắng duy trì thói quen ngủ tốt. Hãy đọc những lời khuyên của chúng tôi về giấc ngủ tốt.
Uống thuốc
Đừng ngưng uống thuốc, thay đổi số lần hay thời gian sử dụng thuốc hoặc thử các phương pháp điều trị khác khi chưa thảo luận với bác sĩ. Nếu thuốc điều trị của bạn có những tác dụng phụ không mong muốn, hãy báo cho bác sĩ biết.
Kiểm tra sức khoẻ định kỳ
Nếu bạn mắc bệnh lý thể chất hay bệnh lý tâm thần, hoặc đang sử dụng một số loại thuốc điều trị, bạn sẽ được khuyên đi thăm khám định kỳ với bác sĩ gia đình hoặc chuyên gia. Hãy bảo đảm việc kiểm tra sức khỏe này và cho bác sĩ gia đình hoặc chuyên gia biết về các triệu chứng mới về sức khỏe thể chất hay sức khỏe tâm thần. Điều này giúp các bác sĩ nắm bắt được các vấn đề trước khi chúng trở nên nghiêm trọng.
Tôi có thể giúp người khác bằng cách nào?
Bạn bè và gia đình thường là những người đầu tiên để ý nhận ra người nào đó sa sút về sức khỏe tâm thần. Nếu bạn nhận ra điều này ở một người mà bạn biết:
- nhẹ nhàng khuyến khích họ tìm kiếm sự hỗ trợ
- giải thích là nếu có sự trợ giúp, họ sẽ cải thiện tình hình
- giải thích rằng việc được trợ giúp không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối.
Sau đây là một số việc bạn có thể làm để hỗ trợ họ hơn nữa:
- Dành thời gian cho họ - Việc dành thời gian cho người nào đó đang sa sút về sức khỏe tâm thần sẽ có ích. Nhẹ nhàng khuyến khích họ nói về cảm xúc của bản thân và khuyến khích họ tiếp tục một số việc họ thường làm.
- Trấn an họ - Trấn an họ là sức khỏe tâm thần có thể được cải thiện theo thời gian cùng với sự hỗ trợ. Họ có thể thấy điều này khó xảy ra.
- Cổ vũ một lối sống lành mạnh - Không cần gây áp lực quá nhiều lên họ, hãy cố gắng khuyến khích họ ăn tốt, ngủ tốt, tránh uống nhiều rượu bia, và nhớ uống thuốc. Bạn có thể giúp họ làm việc này bằng cách cùng nhau nấu ăn, hay thực hiện một hoạt động nào đó mà không dùng đến rượu bia.
- Lắng nghe họ - Bạn có thể giúp ích bằng việc cho họ biết rằng bạn luôn sẵn sàng trao đổi về bất kỳ mối lo ngại hoặc câu hỏi nào liên quan đến tình trạng sức khỏe hoặc phương pháp điều trị.
- Để ý tới các dấu hiệu cảnh báo - Hãy nghiêm túc và khuyến khích họ nói chuyện với bác sĩ nếu họ:
- dường như trở nên tệ hơn
- bắt đầu nói về việc không muốn sống nữa
- đang tự làm hại bản thân hay thể hiện có ý muốn làm như vậy.
Tôi chăm sóc người bệnh, vậy có những hỗ trợ nào dành cho tôi?
Chăm sóc một người mắc bệnh về thể chất và tinh thần có thể rất khó khăn. Bạn dễ dàng quên mất việc chăm sóc bản thân và tập trung vào sức khỏe và hạnh phúc của mình.
Nếu bạn chăm sóc người bệnh, bạn có thể tham gia bài đánh giá dành cho người chăm sóc để tìm hiểu những hỗ trợ sẵn có dành cho bạn và người bệnh. Điều này có thể giúp vai trò người chăm sóc của bạn trở nên dễ dàng hơn. Tìm hiểu thêm về cách tham gia bài đánh giá trên trang Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS).
Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về những trợ giúp và hỗ trợ khác dành cho người chăm sóc tại trang của tổ chức Carers Trust.
Chúng tôi có nguồn tham khảo cho việc chăm sóc người bệnh tâm thần với những thông tin về:
- thế nào là người chăm sóc
- quyền lợi của người bệnh và người chăm sóc
- cách ủng hộ ai đó
- chăm sóc bản thân
- những phúc lợi sẵn có cho người chăm sóc
- cách nhân viên y tế và xã hội có thể hỗ trợ người chăm sóc và người bệnh hiệu quả.
Sống chung với bệnh hoặc cơn đau chưa được chẩn đoán
Một số người sống chung với bệnh tật hoặc cơn đau mà không nhận được chẩn đoán. Điều này còn được gọi là “các triệu chứng không giải thích được về y khoa”, khi các bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân về mặt thể chất cho các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải.
Ngoài những thử thách thường gặp khi sống chung với bệnh tật hoặc cơn đau, việc không biết nguyên nhân gây ra vấn đề của mình còn có thể gây khó khăn vì những lý do sau:
- Việc không biết nguyên nhân gây ra các vấn đề của mình có thể đáng sợ và căng thẳng, dẫn đến việc bạn cảm thấy tồi tệ hơn.
- Bạn có thể gặp khó khăn trong tiếp nhận điều trị.
- Được chẩn đoán có thể giúp bạn gọi tên những gì bản thân đang trải qua và giải thích cho người khác. Thiếu đi chẩn đoán, một số người có thể gặp khó khăn trong việc cảm thấy được tin tưởng hoặc xác thực.
- Bạn có thể đã thử những phương pháp điều trị không hiệu quả. Điều này có thể gây ra sự buồn bực, hay các bệnh lý thể chất khác.
Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của bạn, đặc biệt là khi vấn đề của bạn chưa được chẩn đoán trong một thời gian dài.
Nếu bạn hoặc ai đó mà bạn biết đang gặp phải những triệu chứng không giải thích được về y khoa, vẫn có sự hỗ trợ cho những trường hợp này. Các hỗ trợ có thể bao gồm:
- Thuốc, ví dụ như thuốc chống trầm cảm
- Các liệu pháp Trị liệu Tâm lý, ví dụ như liệu pháp nhận thức hành vi
- Các phòng khám điều trị cơn đau
- Các nhóm hỗ trợ cho người đồng cảnh ngộ, nơi bạn có thể gặp gỡ những người có cùng trải nghiệm với mình.
Tìm hiểu thêm về việc điều trị và hỗ trợ cho những triệu chứng không giải thích được về y khoa tại trang web của College.
Trợ giúp khác
Những tổ chức có thể hỗ trợ
Có rất nhiều hội nhóm từ thiện và tổ chức giúp đỡ những người sống chung với bệnh lý thể chất. Mặc dù chúng tôi không thể liệt kê tất cả ở đây, nhưng chúng tôi đã bao gồm thông tin về các tổ chức từ thiện hỗ trợ những người mắc các bệnh phổ biến nhất tại Vương quốc Anh.
Để tìm hiểu nhiều tổ chức từ thiện hơn, có thể truy cập trang đăng ký của Uỷ ban Từ thiện.
Đường dây trợ giúp: 0300 222 5800
WhatsApp
Tổ chức Asthma + Lung UK cung cấp đường dây trợ giúp, tư vấn về sức khỏe và những nhóm hỗ trợ cho người sống chung với các bệnh về phổi.
Tổ chức Bowel Cancer UK cung cấp thông tin và hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi ung thư đại trực tràng. Bao gồm việc hỗ trợ chẩn đoán, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ sự kiện, cộng đồng trực tuyến và cẩm nang cũng như tờ thông tin.
Đường dây trợ giúp: 0808 800 6000
Email: hello@breastcancernow.org hoặc điền vào mẫu đơn hỏi y tá
Tổ chức Breast Cancer Now cung cấp hỗ trợ và thông tin cho những người bị ảnh hưởng bởi ung thư vú. Bao gồm đường dây trợ giúp với chuyên gia y tá, các buổi học trực tiếp và thông tin về ung thư, một ứng dụng hỗ trợ và một diễn đàn trực tuyến.
Đường dây trợ giúp: 0345 123 2399
Email: helpline@diabetes.org.uk
Tổ chức Diabetes UK cung cấp thông tin và lời khuyên chuyên môn về mọi khía cạnh của việc sống chung với bệnh tiểu đường.
Đường dây trợ giúp: 0300 330 3311
Email: hearthelpline@bhf.org.uk
Quỹ British Heart Foundation cung cấp thông tin về các bệnh tim mạch và tuần hoàn, các xét nghiệm và phương pháp điều trị.
Đường dây trợ giúp: 01420 541 424
Email: info@kidneycareuk.org
Kidney Care UK là tổ chức từ thiện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh về thận, cung cấp các khoản trợ cấp cho bệnh nhân, trợ cấp kỳ nghỉ, dịch vụ tư vấn và bảo vệ quyền lợi, và nhiều dịch vụ khác.
Đường dây trợ giúp: 0800 652 7330
Email: helpline@britishlivertrust.org.uk
Tổ chức The British Liver Trust cung cấp đường dây trợ giúp do y tá vận hành, các nhóm hỗ trợ và những hỗ trợ thiết thực khác cho việc sống chung với căn bệnh về gan và ung thư gan.
Đường dây trợ giúp: 0300 123 0789
Email: help@painconcern.org.uk
Tổ chức Pain Concern hỗ trợ người sống chung với cơn đau và hỗ trợ đường dây trợ giúp, diễn đàn và các công cụ quản lý bản thân.
Đường dây trợ giúp: 0808 800 0303.
Tổ chức Parkinson’s UK cung cấp hỗ trợ cho những người mắc bệnh Parkinson’s và người chăm sóc họ.
Đường dây trợ giúp: 0800 074 8383
Tổ chức Prostate Cancer UK cung cấp hỗ trợ và thông tin cho những người sống chung với ung thư tuyến tiền liệt, bao gồm đường dây trợ giúp với chuyên gia y tá, các ấn phẩm xuất bản, hỗ trợ trực tuyến và hỗ trợ cá nhân.
Đường dây trợ giúp: 0303 3033 100
Email: helpline@stroke.org.uk
Tổ chức Stroke Association cung cấp đường dây trợ giúp, các nhóm hỗ trợ và cộng đồng trực tuyến cho những người bị ảnh hưởng bởi đột quỵ.
Shout
Nhắn tin qua số: 85258
Shout là dịch vụ hỗ trợ qua tin nhắn miễn phí và có bảo mật cho những ai đang sống ở Vương quốc Anh và đang trải qua lo lắng, căng thẳng, trầm cảm, có ý nghĩ tự tử hay cảm thấy quá sức.
Đọc thêm
- Bẫy hạnh phúc, Dr. Russ Harris
- Sang chấn tâm lý : hiểu để chữa lành, Bessel Van Der Kolk
- Có lẽ bạn nên chia sẻ với ai đó: Sổ tay luyện tập: Bộ công cụ để biên tập câu chuyện và thay đổi đời sống của bạn, Lori Gottlieb
Các tài liệu khác
- Mood zone: unhelpful thinking, kênh radio của TS Chris Williams thuộc NHS Choices.
- Staying Safe - trang web hướng đến hỗ trợ những người đang gặp khó khăn về cảm xúc và có ý nghĩ tự tử. Nó bao gồm video và tờ “kế hoạch an toàn”.
- Emotional distress in South Asian men with long term conditions - YouTube - Video này dành cho nam giới Nam Á có vấn đề về tình trạng sức khỏe, và giải thích những sự hỗ trợ có sẵn.
Công nhận sự đóng góp
Các thông tin này do Ban biên tập Tương tác với Cộng Đồng (Public Engagement Editorial Board - PEEB) của Đại học Tâm thần học Hoàng gia (Royal College of Psychiatrists) biên soạn. Bài viết phản ảnh bằng chứng tốt nhất hiện có tại thời điểm biên soạn.
Tác giả chuyên môn: TS Sanjukta Das
Tài liệu tham khảo được yêu cầu đầy đủ.
This translation was produced by CLEAR Global (Dec 2024)