Trầm cảm ở người trưởng thành

Depression in adults

Below is a Vietnamese translation of our information resource on depression in adults. You can also view our other Vietnamese translations.

Tờ thông tin này dành cho những người đang cảm thấy chán nản, buồn bã, choáng ngợp hoặc tuyệt vọng, những người thấy mình đang phải gắng gượng và những người nghĩ có thể mình đang bị trầm cảm. Chúng tôi hy vọng nó sẽ giúp ích được cho người thân và bạn bè của bạn.

Tờ thông tin sẽ bao gồm các nội dung về cảm giác khi mắc trầm cảm (cả trong tâm trí lẫn cơ thể), những cách bạn có thể dùng để cải thiện bản thân, một số phương án hỗ trợ hiện có và cách giúp đỡ những người mắc trầm cảm khác.

Ở cuối tờ thông tin là danh sách những nơi mà bạn có thể tìm kiếm thêm thông tin.

Đâu là sự khác biệt giữa cảm giác đau buồn và trạng thái trầm cảm?

Trong cuộc đời, ai cũng có những lúc cảm thấy chán nản hoặc đau buồn, thường là vì một lý do cụ thể nào đó. Việc này không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống hằng ngày và thường không kéo dài quá một hoặc hai tuần.

Tuy nhiên, nếu những cảm giác này tiếp tục kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc trở nên tồi tệ đến mức bắt đầu ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống, có khả năng bạn đã bị trầm cảm và cần được giúp đỡ.

Các dấu hiệu của trầm cảm là gì?

Mỗi người đều trải qua các mức độ trầm cảm khác nhau theo nhiều cách khác nhau. Trầm cảm có mức độ nhẹ, trung bình hoặc nặng.1

Trải nghiệm về trầm cảm của mỗi người cũng bị ảnh hưởng bởi văn hoá, các giá trị cá nhân, niềm tin và ngôn ngữ của họ.

Nếu bị trầm cảm, có thể bạn sẽ nhận thấy một số điều sau đây:1 2

Về tâm trí, bạn:

  • cảm thấy không vui, đau buồn, suy sụp, chán nản – cảm giác này không biến mất mà có thể trở nên tồi tệ hơn vào một thời điểm cụ thể trong ngày, thường là vào buổi sáng
  • không thể tận hưởng bất kỳ điều gì
  • không còn hứng thú gặp gỡ mọi người và mất kết nối với bạn bè
  • không thể tập trung và khó đưa ra quyết định hơn
  • đánh mất sự tự tin
  • cảm thấy tội lỗi và vô dụng
  • trở nên tiêu cực
  • bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng và thậm chí có thể tự tử.

Về cơ thể, bạn có thể thấy mình:

  • cảm thấy bồn chồn, lo lắng hoặc dễ kích động
  • cảm thấy kiệt sức và không có năng lượng
  • khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • dậy sớm vào buổi sáng và/hoặc suốt đêm
  • đau bụng hoặc đau đầu
  • giảm ham muốn tình dục
  • không ăn được và sút cân hoặc 'ăn để xoa dịu' và tăng cân.

Những người khác có thể nhận thấy bạn:

  • mắc lỗi trong công việc hoặc không thể tập trung
  • im lặng một cách bất thường, thu mình hoặc né tránh mọi người
  • lo lắng về mọi thứ nhiều hơn bình thường
  • dễ cáu kỉnh hơn bình thường
  • ngủ nhiều hoặc ít hơn bình thường
  • than phiền về những vấn đề về thể chất mơ hồ
  • không chăm sóc bản thân tử tế – bạn không gội đầu hay giặt quần áo
  • không còn chăm sóc nhà cửa đàng hoàng – bạn ngừng nấu nướng, dọn dẹp hoặc quên thay ga trải giường.

Phần lớn mọi người sẽ không gặp phải tất cả những điều trên và một số người có thể chỉ ghi nhận được các triệu chứng về thể chất. Có khả năng bạn sẽ nghĩ mình mắc bệnh về thể chất, do bạn cảm thấy rất mệt mỏi hoặc gặp các vấn đề về giấc ngủ, nhưng những triệu chứng thể chất như thế này có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh trầm cảm.1 2

Bạn có thể không nhận ra được mình đang trầm cảm đến thế nào, nhất là khi bệnh đang diễn tiến từ từ. Có người sẽ cố gắng chống lại tình trạng này, thậm chí có thể bắt đầu tự trách vì nghĩ rằng bản thân lười biếng hoặc thiếu ý chí.

Đôi khi cần phải có một người bạn hoặc người thân thuyết phục bạn rằng thực sự đang có vấn đề xảy ra và gợi ý bạn tìm kiếm sự giúp đỡ.

Có khả năng bạn cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn, bạn bè hoặc người thân nhận thấy rằng:

  • Cảm giác trầm cảm ảnh hưởng đến công việc, sở thích và cảm xúc về gia đình và bạn bè
  • Cảm giác trầm cảm của bạn đã diễn ra được một thời gian và hầu như không thuyên giảm
  • Bạn cảm thấy không đáng sống hoặc người khác sẽ sống tốt hơn nếu như không có bạn.

Vậy còn lo âu thì sao?

Một số người cũng có thể cảm thấy vô cùng lo lắng khi họ mắc trầm cảm.1 3

Có khả năng bạn luôn cảm thấy căng thẳng, lo lắng, sợ hãi và cảm thấy khó khăn khi đi ra ngoài hoặc ở gần mọi người. Ngoài ra bạn còn có thể gặp các triệu chứng về thể chất như khô miệng, đổ mồ hôi, khó thở hoặc đau bụng.

Nếu mắc trầm cảm và lo âu, bạn thường sẽ được điều trị loại rối loạn khiến bạn gặp khó khăn nhất.1

Vậy rối loạn lưỡng cực (bệnh hưng trầm cảm) là gì?

Một số người mắc trầm cảm cũng có thể cảm thấy hưng phấn và phấn khích quá độ trong những khoảng thời gian dài. Tình trạng này được gọi là 'hưng cảm', có nghĩa là bạn có thể mắc rối loạn lưỡng cực (hay hưng trầm cảm, theo cách gọi cũ).4 5

Tại sao trầm cảm xảy ra?

Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Trầm cảm có thể xảy đến với những người kiên cường nhất - kể cả người nổi tiếng, vận động viên và ngôi sao cũng có thể mắc trầm cảm.

Lý do dẫn đến trầm cảm đôi lúc rõ ràng, đôi lúc không. Có thể là vì thất vọng, chán nản hoặc do bạn đã đánh mất đi thứ gì đó hoặc một ai đó quan trọng với bạn.

Thường sẽ có rất nhiều lý do và mỗi người sẽ có những lý do khác nhau. Chúng tôi sẽ nêu lên một vài lý do phổ biến bên dưới.

Biến cố trong cuộc sống và hoàn cảnh cá nhân

Trầm cảm có thể bắt nguồn từ một sự kiện căng thẳng hoặc đau buồn, chẳng hạn như mất người thân, đổ vỡ mối quan hệ hoặc mất việc.6 7

Nếu hoàn cảnh khiến bạn phải sống một mình hoặc không có bạn bè hay gia đình bên cạnh, bạn có thể dễ mắc trầm cảm hơn.8 9

Sức khoẻ thể chất

Giấc ngủ, chế độ ăn uống và việc tập thể dục đều có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và cách chúng ta xử lý mọi việc.

Các vấn đề sức khoẻ thể chất, nhất là những vấn đề nghiêm trọng hoặc mãn tính, có thể dẫn đến trầm cảm hoặc làm cho bệnh trầm cảm thêm trầm trọng.10 11 Những vấn đề này bao gồm:

  • các bệnh đe doạ đến tính mạng, như ung thư và bệnh tim
  • các bệnh mãn tính và/hoặc bệnh gây ra đau đớn, như viêm khớp
  • các bệnh truyền nhiễm do virus như 'cúm' hoặc sốt tuyến - đặc biệt ở người trẻ tuổi
  • các vấn đề về nội tiết tố, như tuyến giáp hoạt động kém
  • các bệnh ảnh hưởng đến não bộ hoặc hệ thần kinh.12

Tổn thương từ thời thơ ấu

Một số người có thể dễ mắc trầm cảm hơn những người khác. Việc này có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm khó khăn hoặc tổn thương thời thơ ấu, bao gồm ngược đãi (thể chất, tình dục hoặc tâm lý), bị bỏ rơi, chứng kiến bạo lực hoặc sự kiện đau thương, hoặc môi trường gia đình bất ổn.13 14 15

Sử dụng rượu và ma tuý

Thường xuyên uống nhiều rượu16 17 hoặc sử dụng các loại ma túy như cần sa18 19 có thể khiến bạn dễ mắc trầm cảm về lâu dài.

Yếu tố di truyền

'Các yếu tố nguy cơ' di truyền tương tự có liên quan đến khả năng mắc trầm cảm nặng, rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt. Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ môi trường, những yếu tố này có thể tương tác với các yếu tố nguy cơ di truyền, từ đó làm tăng hoặc giảm nguy cơ phát triển các loại bệnh vừa nêu.

Chẳng hạn như, nếu bạn có yếu tố nguy cơ di truyền thì khả năng mắc trầm cảm nặng của bạn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, nếu bạn lớn lên hoặc sống trong môi trường ổn định và tích cực, nguy cơ mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng có thể được giảm bớt.

Việc có cha hoặc mẹ mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng như trầm cảm nặng là yếu tố nguy cơ mạnh nhất khiến bạn mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng. Trẻ em có cha hoặc mẹ mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng có 1/3 nguy cơ mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng.

Khi đề cập đến nguyên nhân gây trầm cảm, điều quan trọng cần nhớ là có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có liên quan và không có yếu tố nguy cơ đơn lẻ nào gây trầm cảm.20

Có khác biệt nào liên quan đến giới tính và xu hướng tính dục về trầm cảm?

Nam giới mắc trầm cảm thường ít nói về cảm xúc của họ và ít yêu cầu được giúp đỡ.21 Họ có thể biểu hiện trầm cảm theo một cách khác, như thông qua sự tức giận đột ngột, mất kiểm soát gia tăng, hành động nguy hiểm và hung hăng nhiều hơn, cũng như sử dụng rượu và ma tuý để đối phó với hoàn cảnh.23 24 Nam giới cũng có khả năng tử vong do tự tử cao hơn so hơn nữ giới.21 23

Khoảng 12% phụ nữ có thai sẽ bị trầm cảm trong khi mang thai, trong khi 15–20% sẽ bị trầm cảm trong năm đầu tiên sau khi sinh con.24

Những người chuyển giới (người xác định giới tính khác với giới tính lúc họ sinh ra) có thể mắc trầm cảm và lo âu nhiều hơn so với những người xác định giới tính bản thân giống với giới tính lúc họ sinh ra. Những người phi nhị nguyên giới (không xác định bản thân là phụ nữ/nữ giới hay đàn ông/nam giới) cũng có thể mắc trầm cảm và lo âu nhiều hơn.25 26

Những người đồng tính nữ, đồng tính nam hoặc song tính có khả năng gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần (bao gồm cả trầm cảm) nhiều hơn những người dị tính.27 Họ cũng có nguy cơ tự tử và tự làm hại bản thân cao hơn.27 28

Tôi có thể tự mình hồi phục không?

Tin tốt là hầu hết những người bị trầm cảm sẽ tự hồi phục nhờ thực hiện những việc có ích cho bản thân. Bạn có thể tự mình vượt qua trầm cảm, điều này sẽ mang lại cho bạn cảm giác chiến thắng và tự tin để đối phó với những cảm xúc chán nản đó lần nữa nếu bạn còn gặp chúng trong tương lai.

Nếu áp dụng một số gợi ý trong tờ thông tin này, bạn có thể rút ngắn thời gian mắc trầm cảm và sống tốt trong tương lai.

Tuy nhiên, một số cá nhân sẽ cần được hỗ trợ thêm, đặc biệt là khi họ mắc trầm cảm nghiêm trọng hoặc kéo dài, hoặc họ đã cố thử nhiều cách để hồi phục nhưng không có tác dụng.

Nếu đây là lần đầu bạn bị trầm cảm, khả năng mắc trầm cảm trở lại của bạn sẽ rơi vào khoảng 50:50, vậy nên điều quan trọng là bạn phải biết cách nhờ đến sự trợ giúp khi cần.1, 29

Nếu bạn nghĩ mình cần trò chuyện với ai đó về cảm xúc của bản thân, hãy cố gắng đừng trì hoãn vì việc mở lời có thể giúp bạn quay lại thực hiện những việc bạn đã từng làm và sớm tận hưởng cuộc sống trở lại.

Đôi khi bạn cần phải cố gắng vài lần để người khác hiểu được cảm giác của mình. Hãy kiên trì và đừng bỏ cuộc - nhờ đó mà bạn có thể nhận được sự giúp đỡ phù hợp.

Làm thế nào để tự giúp bản thân?

Sau đây là một số cách bạn có thể thử thực hiện khi cảm thấy chán nản. Điều quan trọng là bạn tìm được cách nào là tốt nhất cho bản thân và viết ra danh sách các phương pháp hiệu quả cho riêng mình.

Tâm sự với ai đó: Nếu nhận được tin xấu hoặc gặp phải biến cố lớn trong cuộc sống, đừng cố giấu kín trong lòng. Hãy tâm sự với một người thân thiết về cảm xúc của bạn. Nếu cảm thấy không thể chia sẻ được với ai, bạn hãy thử viết ra cảm xúc của mình.

Tích cực vận động: Hãy ra ngoài vận động nếu có thể, dù chỉ là đi bộ một chút. Việc vận động sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và cải thiện giấc ngủ. Ngoài ra, bạn còn có thể điều hướng sự quan tâm ra khỏi những suy nghĩ và cảm xúc đau buồn.

Ăn uống đầy đủ: Có thể bạn sẽ không thấy đói, nhưng hãy cố gắng ăn uống điều độ. Khi cảm xúc trì trệ, bạn sẽ dễ bị sụt cân và thiếu vitamin; hoặc ngược lại, bạn sẽ thu nạp những loại thực phẩm kém lành mạnh quá mức và tăng cân không mong muốn. Một bữa ăn cân bằng với nhiều trái cây cùng rau củ sẽ giúp cơ thể và trí óc được khỏe mạnh.

Tránh tiêu thụ rượu bia và chất gây nghiện: Bia rượu có thể giúp bạn cảm thấy khá hơn trong vài giờ, nhưng lại khiến tình trạng trầm cảm tệ hơn về mặt lâu dài. Chất gây nghiện, cụ thể là cần sa, amphetamin, ma túy và thuốc lắc cũng có tác dụng tương tự.

Thiết lập chu trình đi ngủ: Cố gắng đi ngủ đúng giờ mỗi đêm và thức dậy đúng giờ vào mỗi buổi sáng. Làm những việc bạn thấy thích và thoải mái trước khi ngủ, như nghe nhạc thư giãn hoặc đọc một quyển sách. Nếu bạn không ngủ được, hãy rời khỏi giường ngủ và làm việc gì đó nhẹ nhàng như ngồi yên trên sô pha.

Thử các hoạt động thư giãn: Nếu bạn cảm thấy căng thẳng liên tục, hãy thử các bài tập thư giãn, tập yoga, mát-xa, liệu pháp mùi hương, hoặc các hoạt động thư giãn khác.

Làm điều mình thích: Thường xuyên dành thời gian cho những việc bạn thích làm, chẳng hạn như chơi trò chơi, đọc sách, hoặc sở thích nào đó khác.

Tìm hiểu về trầm cảm: Có rất nhiều sách và trang web nói về trầm cảm. Chúng sẽ giúp bạn hiểu được tình trạng hiện tại của mình, hướng dẫn bạn các chiến lược ứng phó hiệu quả hơn, và cũng giúp bạn bè và người thân hiểu được những khó khăn bạn gặp phải.

Học cách đối xử tốt với bản thân: Bạn có thể thuộc kiểu người cầu toàn và thúc ép bản thân quá mức. Hãy đặt mục tiêu và kỳ vọng thực tế hơn cho mình. Hãy dịu dàng với chính mình.

Nghỉ ngơi: Việc tạm dừng và tách bản thân ra khỏi lịch trình thường nhật trong vài ngày sẽ giúp ích cho bạn. Hãy để bản thân được nghỉ ngơi và tạm gác lại những âu lo đời thường. Hãy thay đổi môi trường nếu có thể, dù chỉ là trong vài giờ.

Tham gia vào nhóm hỗ trợ: Tự giúp chính mình có thể là một việc khó khi bạn mắc trầm cảm. Tâm sự với người đồng cảnh ngộ có thể cũng là giải pháp. Hãy xem qua danh sách các tổ chức ở cuối tờ rơi này để biết thêm chi tiết.

Tiếp tục hy vọng: Nhắc nhở bản thân rằng nhiều người mắc trầm cảm đã cải thiện được tình trạng - ngoài kia luôn có người hỗ trợ và bạn xứng đáng được giúp đỡ.

Tôi có thể nhận được những hỗ trợ nào cho bệnh trầm cảm?

Nếu việc tự cải thiện tình trạng của bản thân không hiệu quả như mong muốn, việc tìm đến bác sĩ thực hành tổng quát (GP) có thể sẽ giúp được bạn.

Hầu hết người mắc trầm cảm đều được điều trị bởi bác sĩ GP. Nếu bạn không có bác sĩ GP riêng, hãy thử tìm một bác sĩ tại phòng khám địa phương khiến bạn thấy thoải mái và có thể hẹn gặp thường xuyên.

Bác sĩ GP sẽ nói chuyện với bạn nhằm xem xét các triệu chứng và tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả cho bạn.

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất sẽ phụ thuộc vào mức độ trầm cảm của bạn, thời gian bệnh đã kéo dài bao lâu và bạn có tiền sử bị trầm cảm trước đó không.

Bác sĩ GP cũng sẽ kiểm tra sức khỏe thể chất cho bạn. Việc này là do một số bệnh về thể chất cũng có thể gây ra trầm cảm. Bạn phải thông báo cho bác sĩ GP nếu bạn đang điều trị một bệnh lý về thể chất nào khác.

Điều trị ban đầu (trầm cảm nhẹ)

Nếu bị trầm cảm lần đầu, thường bạn sẽ không được kê thuốc chống trầm cảm. Bác sĩ GP có thể sẽ đề xuất liệu pháp can thiệp tâm lý nhẹ (hay liệu pháp trò chuyện) như:1 2

  • tờ rơi hoặc sách tự lực (self-help) dựa trên các nguyên tắc của liệu pháp nhận thức hành vi (LPNTHV) (được hỗ trợ bởi chuyên gia chăm sóc sức khỏe)
  • các chương trình tự lực theo LPNTHV nhờ điện toán (cũng được hỗ trợ bởi chuyên gia chăm sóc sức khỏe)
  • bài tập theo nhóm
  • một chương trình theo nhóm, dựa trên việc tự lực, hỗ trợ đồng cảnh hoặc theo LPNTHV.

Bác sĩ GP có thể giúp bạn lựa chọn biện pháp phù hợp với bạn.

Nếu những phương pháp này không có tác dụng với bạn, bác sĩ GP có thể đề xuất một trong những liệu pháp can thiệp trong mục tiếp theo - liệu pháp chữa trị cho trầm cảm vừa và nặng.

Điều trị sâu hơn (trầm cảm vừa và nặng)

Bác sĩ GP sẽ đề xuất sử dụng liệu pháp can thiệp tâm lý nặng, thuốc chống trầm cảm, hoặc cả hai.1 Bạn có thể trao đổi với họ để chọn ra liệu pháp điều trị phù hợp nhất với mình.

Can thiệp tâm lý

Có nhiều loại can thiệp tâm lý cho người mắc trầm cảm và bạn có thể được gợi ý các liệu pháp có sẵn ở khu vực bạn sinh sống.1

Nếu bạn phải nằm trong danh sách chờ đến lượt điều trị tâm lý cụ thể, bạn nên trao đổi với bác sĩ của mình về cách chăm sóc bản thân trong thời gian chờ được can thiệp.

Liệu pháp Nhận thức Hành vi (LPNTHV)

Nhiều người trong số chúng ta có thói quen suy nghĩ tiêu cực, không đúng với thực tế cuộc sống, việc này dễ khiến cho ta chán nản và suy sụp kéo dài. LPNTHV sẽ giúp bạn:

  1. xác định lối suy nghĩ không thực tế và vô bổ
  2. sau đó bắt đầu suy nghĩ và hành động theo cách mới tốt hơn.

LPNTHV đã được chứng minh là phương pháp điều trị trầm cảm tốt nhất.1 30 31

Liệu pháp tương tác cá nhân (IPT)

Liệu pháp tương tác cá nhân giúp bạn tìm ra và giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ với gia đình, vợ chồng và bạn bè.

Kích hoạt hành vi

Kích hoạt hành vi khuyến khích bạn thực hiện các hành vi tích cực như lên kế hoạch và làm những việc mang tính xây dựng mà bạn thường né tránh thực hiện.

Liệu pháp cặp đôi

Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ có ảnh hưởng đến bệnh trầm cảm của mình, liệu pháp cặp đôi có thể là liệu pháp phù hợp giúp bạn hiểu được mối liên hệ giữa trầm cảm và mối quan hệ đó. Liệu pháp này còn có thể giúp bạn xây dựng một mối quan hệ hỗ trợ với đối phương.

Tham vấn

Các nhà tham vấn đã qua đào tạo có thể giúp bạn tìm hiểu các triệu chứng và vấn đề của mình, đồng thời hỗ trợ và hướng dẫn bạn.

Liệu pháp tâm động học

Phương pháp trị liệu này giúp bạn thấy được tác động của những trải nghiệm trong quá khứ lên cuộc sống hiện tại.

Thuốc chống trầm cảm

Nếu tình trạng trầm cảm của bạn ở mức trung bình hoặc nặng hoặc kéo dài, bác sĩ sẽ đề xuất điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, thường là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI).1 32 Họ sẽ đưa ra loại thuốc chống trầm cảm hiệu quả nhất với bạn, dựa trên tiền sử sử dụng thuốc chống trầm cảm trước đó, loại thuốc mà bạn đang sử dụng và các vấn đề sức khỏe hiện tại của bạn.

Thuốc chống trầm cảm có tác dụng phụ không?

Cũng như tất cả các loại thuốc khác, thuốc chống trầm cảm cũng có tác dụng phụ, mặc dù chúng thường nhẹ và có xu hướng biến mất sau vài tuần.32 33

Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn những điều bạn cần biết, và bạn nên trao đổi với họ nếu có lo lắng về bất kỳ điều gì hoặc bạn đang gặp phải nhiều tác dụng phụ. Bạn cũng sẽ nhận được đơn thuốc có ghi thông tin từ dược sĩ.

Nếu thuốc chống trầm cảm gây buồn ngủ thì bạn nên uống thuốc vào buổi tối để hỗ trợ giấc ngủ. Nhưng nếu bạn thấy buồn ngủ vào ban ngày, đừng nên lái xe hoặc làm việc với máy móc cho đến khi thuốc hết tác dụng. Rượu bia có thể khiến bạn buồn ngủ quá mức nếu uống trong khi đang dùng thuốc, nên tốt nhất bạn hãy tránh xa chúng.34

Khác với vài loại thuốc và chất kích thích khác (ví dụ như nicotine hoặc rượu bia), bạn sẽ không bị thèm thuốc chống trầm cảm hoặc cảm thấy cần dùng nhiều hơn để đạt được hiệu quả tương tự.1

Tôi cần dùng thuốc chống trầm cảm trong bao lâu?

Ban đầu, bác sĩ sẽ cần kiểm tra bạn thường xuyên (sau 2 tuần đầu tiên, rồi từ 2-4 tuần trong 3 tháng đầu tiên, sau đó tần suất sẽ giảm dần) nhằm đảm bảo liệu pháp điều trị có hiệu quả.1

Nếu bạn có ý nghĩ tự tử hoặc dưới 30 tuổi, bạn có thể sẽ cần phải tái khám thường xuyên hơn (thường là mỗi tuần). Nguyên nhân là do một vài loại thuốc chống trầm cảm ban đầu có thể làm gia tăng những suy nghĩ tự tử, đặc biệt là ở người trẻ tuổi.1

Nếu thuốc chống trầm cảm có tác dụng, bạn nên tiếp tục sử dụng ít nhất 6 tháng, kể cả khi tâm trạng bạn đã trở nên tốt hơn. Việc này sẽ giúp làm giảm khả năng tái trầm cảm của bạn.1

Bạn có thể phải duy trì thuốc lâu hơn thời khoảng này nếu đã từng bị trầm cảm trong quá khứ. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về thời điểm có thể dừng thuốc và cách dừng thuốc an toàn.

Nếu bạn đột ngột ngưng thuốc chống trầm cảm, bạn có thể gặp các triệu chứng cai thuốc. Chúng bao gồm rối loạn giấc ngủ, lo âu, chóng mặt hay đau bụng.1

Nếu bạn thấy thuốc chống trầm cảm đang sử dụng không hiệu quả (sau 3 đến 4 tuần sử dụng), hãy trao đổi với bác sĩ, họ có thể thay đổi liều lượng thuốc hoặc kê cho bạn thuốc chống trầm cảm khác hoặc một loại thuốc khác.1

Tìm kiếm thêm sự giúp đỡ (trầm cảm nặng)

Hầu hết những người bị trầm cảm đều nhận được sự giúp đỡ mà họ cần từ bác sĩ. Nếu tình trạng trầm cảm của bạn không cải thiện sau khi được bác sĩ GP điều trị và bạn cần đến sự giúp đỡ chuyên sâu, bạn có thể sẽ được giới thiệu đến dịch vụ hoặc đội ngũ chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần.1

Chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần cần nắm bắt được thông tin chung của bạn, những căn bệnh hay những vấn đề tinh thần nghiêm trọng mà bạn có thể đã trải qua trong quá khứ.

Họ sẽ hỏi về những việc đã và đang xảy ra trong cuộc sống của bạn trong thời gian gần đây, tiến triển bệnh trầm cảm của bạn thế nào và bạn đã từng được điều trị trầm cảm hay chưa.

Đôi khi sẽ khó để bạn trả lời hết được những câu hỏi này, nhưng những thông tin bạn cung cấp sẽ giúp bác sĩ hiểu thêm về con người bạn và biết được phương án nào sẽ tốt cho bạn.

Nếu tình trạng trầm cảm của bạn ở mức nghiêm trọng hoặc cần đến điều trị chuyên sâu, bạn có thể sẽ phải đến bệnh viện để tiếp nhận điều trị. Đội ngũ chăm sóc sẽ đảm bảo rằng bạn được điều trị đúng phương pháp và nhận được sự hỗ trợ hiệu quả.

Liệu pháp sốc điện (ECT)

Liệu pháp sốc điện (viết tắt là ECT) chủ yếu được sử dụng như là một cách trị liệu cho:

  • bệnh trầm cảm nặng nếu mạng sống của người bệnh đang gặp đe dọa và họ cần trị liệu gấp
  • bệnh trầm cảm vừa hoặc nặng trong trường hợp các phương pháp trị liệu khác đều không có hiệu quả.1

Liệu pháp sốc điện ECT sẽ truyền một dòng điện qua não, nên nó luôn được sử dụng trong bệnh viện khi bệnh nhân đang được gây mê. Một số người sẽ gặp vấn đề trí nhớ tạm thời sau liệu pháp sốc điện.

Các phương pháp điều trị khác

Cỏ thánh John (cây Ban Âu) là một loại thảo dược được bày bán tại các cửa hàng thực phẩm chức năng và các hiệu thuốc, được dùng để điều trị trầm cảm. Thảo dược này không thường được khuyên dùng bởi các bác sĩ bởi vì:

  • liều dùng chính xác để điều trị trầm cảm vẫn chưa rõ ràng
  • các loại khác nhau có thể có sự khác biệt về các thành phần bên trong
  • có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng khi được dùng kèm với các loại thuốc khác (đặc biệt là thuốc tránh thai dạng viên, thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống co giật).1

Nếu bạn cần được tư vấn thêm, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tôi có thể giúp đỡ người đang bị trầm cảm thế nào?

  • Lắng nghe họ. Thực hiện việc này có thể khó hơn tưởng tượng. Bạn có thể sẽ phải nghe đi nghe lại những điều giống hệt nhau nhiều lần. Tốt hơn hết, bạn không nên đưa ra lời khuyên trừ khi được họ yêu cầu, thậm chí ngay cả khi bạn thấy phương án giải quyết quá rõ ràng trước mắt mình. Nếu tình trạng trầm cảm bắt nguồn từ một vấn đề cụ thể nào đó, bạn có thể giúp họ tìm ra một giải pháp hoặc ít nhất là một hướng để giải quyết vấn đề.
  • Dành thời gian cho họ. Chỉ cần dành thời gian cho người đang bị trầm cảm thôi là đã giúp họ rồi. Hãy cho họ biết rằng bạn luôn ở bên cạnh họ, điều này sẽ động viên họ mở lời và tiếp tục làm những việc giúp họ cảm thấy tốt hơn.
  • Trấn an họ. Người mắc trầm cảm sẽ thấy khó có thể tin được rằng tình trạng của họ sẽ trở nên tốt hơn. Bạn có thể trấn an rằng tình hình của họ sẽ được cải thiện, mặc dù có khả năng bạn sẽ phải nhắc đi nhắc lại điều này nhiều lần.
  • Hỗ trợ việc chăm sóc cá nhân cho họ. Hãy chắc rằng họ đã mua đủ thực phẩm và ăn uống điều độ, ăn nhiều hoa quả và rau củ. Bạn có thể giúp họ đi ra ngoài, tập thể dục hoặc thực hiện các hoạt động vui vẻ khác, đây có thể là phương án tốt hơn việc sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích để đối phó với các cảm xúc của mình.
  • Nghiêm túc chú ý đến họ. Nếu tình trạng của họ xấu dần và họ bắt đầu nói về việc không còn muốn sống, hoặc thậm chí ám chỉ đến việc làm hại bản thân, hãy xem đó là việc nghiêm trọng. Hãy đảm bảo rằng họ kể việc này cho bác sĩ của họ biết.
  • Động viên họ đón nhận sự giúp đỡ. Khuyến khích họ gặp bác sĩ, uống thuốc, hoặc nói chuyện với nhà trị liệu hoặc nhà tham vấn tâm lý. Nếu họ cảm thấy quan ngại về phương pháp điều trị, hãy khuyến khích họ thảo luận việc này với bác sĩ.
  • Chăm sóc chính bản thân bạn. Chăm sóc người bị trầm cảm có thể khiến bạn kiệt quệ về mặt cảm xúc, nên hãy nhớ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của chính bạn.

Nếu bạn lo rằng một người quen của bạn có thể có ý định tự sát

Một số ít người mắc trầm cảm có thể cố tự tử hoặc qua đời vì tự tử.35 36

Nếu bạn lo lắng cho ai đó, điều quan trọng là phải nói chuyện với họ về những suy nghĩ tự tử và cảm xúc của họ, và không được coi nhẹ chúng.

Hỏi họ về việc muốn tự tử sẽ không khiến họ nảy sinh ý định tự tử hoặc làm khả năng hành động theo suy nghĩ của họ tăng lên.37 38

Nếu bạn vẫn thấy lo lắng về một người nào đó, bạn có thể liên hệ với một trong số các dịch vụ dưới đây để nhận thêm hỗ trợ và lời khuyên.

Tổ chức Zero Suicide Alliance cung cấp đào tạo trực tuyến miễn phí về nhận thức và phòng ngừa việc tự tử, là điểm khởi đầu cho những người muốn hỗ trợ người mà họ quan tâm.

Nhận trợ giúp khi có suy nghĩ tự tử

Nếu bạn cần sự hỗ trợ ngay bây giờ, những dịch vụ sau có thể giúp bạn:

Toàn Vương quốc Anh

Xứ Wales

Scotland

  • Truy cập vào Breathing Space (Scotland) hoặc gọi 0800 83 85 87 (miễn phí)

Bắc Ireland

  • Truy cập vào Lifeline hoặc gọi 0808 808 8000 (miễn phí)

Nếu bạn không thể giữ an toàn cho bản thân ngay bây giờ và những sự hỗ trợ khác không đủ để giúp bạn, hãy gọi 999 hoặc đến khoa cấp cứu và tai nạn (A&E) của bệnh viện gần nhất (đôi khi được gọi là khoa cấp cứu). Hoặc, bạn có thể nhờ ai đó gọi 999 hoặc đưa bạn đến khoa cấp cứu.

Hỗ trợ khác

Hiệp hội Bệnh tật Sau sinh (APNI): APNI cung cấp hỗ trợ cho các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh. Hiệp hội tồn tại nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về tình trạng này và khuyến khích nghiên cứu về nguyên nhân và bản chất của trầm cảm sau sinh. Đường dây trợ giúp: 0207 386 0868 (10 giờ sáng – 2 giờ chiều từ Thứ Hai đến Thứ Sáu).

Mạng lưới Trị liệu cho người Da đen, châu Phi và châu Á (BAATN): Tổ chức độc lập lớn nhất của Vương quốc Anh, với mục đích giải quyết sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ tâm lý phù hợp cho người da đen, châu Phi, Nam Á và Caribe. Họ cung cấp thông tin về sức khỏe tâm thần và danh mục giúp mọi người tìm được bác sĩ trị liệu, các sự kiện, chương trình đào tạo và các nguồn lực khác. Email: connect@baatn.org.uk

CALM (Chiến dịch Chống Sống Khốn khổ): Một chiến dịch quốc gia tập trung vào việc chống trầm cảm và tự tử ở thanh niên nam. Đường dây trợ giúp bí mật: 0800 58 58 58 (từ 5 giờ chiều đến nửa đêm, 7 ngày một tuần).

Depression UK: Một nhóm hỗ trợ quốc gia dành cho những người mắc trầm cảm. Email: info@depressionuk.org

Diễn đàn Sức khỏe Nam giới: Một tổ chức từ thiện hỗ trợ sức khỏe nam giới ở Anh, xứ Wales và Scotland thông qua việc nghiên cứu, nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe nam giới cũng như cung cấp thông tin và lời khuyên về sức khỏe. Điện thoại: 020 7922 7908.

Diễn đàn Sức khỏe Tâm thần: Một cộng đồng trực tuyến và là nơi mọi người có thể nhận được sự hỗ trợ từ những người có trải nghiệm tương tự.

Mind: Một tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần chuyên đưa ra lời khuyên và hỗ trợ cho những người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, cũng như cung cấp thông tin về các nhóm hỗ trợ đồng cảnh tại địa phương. Đường dây trợ giúp: 0300 123 3393 (từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối, thứ Hai đến thứ Sáu). Họ cũng cung cấp thông tin về cách đối phó dành cho người đang hỗ trợ những người khác. Local Minds có thể giúp bạn tìm dịch vụ sức khỏe tâm thần gần nơi bạn sinh sống.

MindOut: Một dịch vụ sức khỏe tâm thần được điều hành bởi và dành cho những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và queer (LGBTQ). Họ chuyên đưa ra lời khuyên, cung cấp thông tin, hỗ trợ trực tuyến, tham vấn, hỗ trợ, vận động và biện hộ đồng cảnh. Điện thoại: 01273 234 839 Email: info@mindout.org.uk

Dịch vụ Y tế Quốc gia chính phủ Anh (NHS): Thông tin về cách truy cập các dịch vụ sức khỏe tâm thần

Papyrus Hopeline UK: Đường dây trợ giúp có đội ngũ chuyên nghiệp chuyên hỗ trợ, cung cấp lời khuyên và thông tin thiết thực cho những người dưới 35 tuổi đang có ý định tự tử hoặc đang lo lắng về một ai đó. Hopeline: 0800 068 41 41.

Reading Well Agency: Books on Prescription: Một chương trình giúp mọi người quản lý sức khỏe thể chất và tinh thần của mình qua việc đọc sách tự lực. Chương trình được chứng thực bởi các chuyên gia y tế, bao gồm cả Đại học Bác sĩ Tâm thần học Hoàng gia và được các thư viện công hỗ trợ.

Relate: Nhà cung cấp trợ giúp liên quan đến mối quan hệ lớn nhất Vương quốc Anh. Cung cấp một loạt các dịch vụ tham vấn. Liên hệ giải đáp thắc mắc: 0300 003 0396.

Samaritans: Một tổ chức từ thiện quốc gia có trụ sở tại Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland, chuyên cung cấp hỗ trợ tinh thần bí mật cho bất kỳ ai có ý định tự tử hoặc đang gặp nạn. Đường dây trợ giúp: 116 123. Email: jo@samaritans.org

SaneLine: Đường dây trợ giúp qua điện thoại ngoài giờ hành chính quốc gia, chuyên hỗ trợ về mặt cảm xúc cho những người bị ảnh hưởng bởi các vấn đề sức khỏe tâm thần. Đường dây trợ giúp: 0300 304 700 (từ 4:30 chiều đến 10:30 tối hàng ngày). Email: support@sane.org.uk

Stonewall: Cung cấp thông tin và hỗ trợ cho cộng đồng LGBTQ+, bao gồm thông tin về các dịch vụ và các nhóm địa phương. Đường dây miễn phí: 0800 050 2020 (mở cửa từ thứ Hai đến thứ Sáu, 9:30 đến 4:30) Email info@stonewall.org.uk

Switchboard: Một đường dây trợ giúp cho cộng đồng LGBTQ+, chuyên cung cấp thông tin, sự hỗ trợ và dịch vụ giới thiệu cho bất cứ ai muốn thảo luận các vấn đề xoay quanh về giới tính và/hoặc bản dạng giới, lẫn sức khỏe tâm thần của họ. Họ cung cấp một kênh trò chuyện trực tuyến, tổng đài điện thoại: 0300 330 0360 (từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối hằng ngày) Email: chris@switchboard.lgbt

Young Minds: Một tổ chức từ thiện quốc gia chuyên về cải thiện sức khỏe tâm thần của tất cả trẻ em và thanh niên dưới 25 tuổi. Đường dây trợ giúp cho phụ huynh: 0808 802 5544 (từ 9:30 sáng đến 4 giờ chiều, thứ Hai đến thứ Sáu).

Zero Suicide Alliance: Cung cấp đào tạo trực tuyến miễn phí về nhận thức và ngăn chặn việc tự tử, nhằm giúp mọi người hỗ trợ người mà họ quan tâm.

Sự ghi nhận

Được biên soạn bởi Ban biên tập Gắn kết Công chúng của RCPsych và Trung tâm Hợp tác Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần.

Biên tập series: Bác sĩ Phil Timms

Giám đốc series: Thomas Kennedy

© Tháng Mười 2020 Đại học Bác sĩ Tâm thần học Hoàng gia

This translation was produced by CLEAR Global (March 2024)

Read more to receive further information regarding a career in psychiatry