Chứng chán ăn và chứng cuồng ăn

Anorexia and bulimia

Below is a Vietnamese translation of our information resource on anorexia and bulimia. You can also view our other Vietnamese translations.

Chúng tôi hy vọng thông tin này sẽ hữu ích nếu:

  • bạn liên tục suy nghĩ về cân nặng và hình ảnh cơ thể của mình
  • bạn cảm thấy việc ăn uống hoặc ăn kiêng của bạn có thể là một vấn đề
  • bạn thấy mình bị ám ảnh bởi việc sử dụng các cách khác nhau để giảm cân, chẳng hạn như tập thể dục quá sức hoặc tự gây nôn
  • bạn nghĩ bạn có thể mắc chứng chán ăn hoặc chứng cuồng ăn
  • những người khác lo lắng rằng bạn đã giảm cân quá mức
  • bạn có một người bạn hoặc người thân, con trai hoặc con gái đang gặp phải vấn đề như thế này.

Tài liệu này không đề cập đến các vấn đề thừa cân.

Giới thiệu

Mỗi người chúng ta đều có thói quen ăn uống khác nhau. Có rất nhiều “phong cách ăn uống” có thể giúp chúng ta duy trì sức khỏe. Tuy nhiên, có một số phong cách lại xuất phát từ nỗi sợ béo phì mãnh liệt và thực sự gây hại cho sức khỏe. Những tình trạng này được gọi là “rối loạn ăn uống” và bao gồm:

  • ăn quá nhiều
  • ăn quá ít
  • sử dụng những cách có hại để loại bỏ calo.

Trên thực tế, 'rối loạn ăn uống' thường liên quan đến nhiều thứ hơn là hành vi ăn uống, vì vậy những người mắc chứng này luôn lo lắng về cách tránh nạp calo hoặc cách 'đốt cháy' hoặc loại bỏ calo. Họ cũng liên tục phải kiểm tra cân nặng và ngoại hình, tránh nhìn mình trong gương hoặc chụp ảnh để tự trấn an rằng cân nặng của họ không tăng.

Tài liệu này đề cập đến hai chứng rối loạn ăn uống - Chán ăn tâm thần và cuồng ăn tâm thần. Tuy nhiên, nó mô tả hai rối loạn riêng biệt

  • các triệu chứng của chứng chán ăn và chứng cuồng ăn thường lẫn lộn
  • người mắc cũng có thể chuyển từ chứng cuồng ăn sang chán ăn, hoặc bạn có thể bắt đầu với các triệu chứng chán ăn, nhưng sau đó phát triển các triệu chứng cuồng ăn.

Ai có nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống?

Các bé gái và phụ nữ có nguy cơ mắc chứng chán ăn hoặc cuồng ăn cao gấp 10 lần so với các bé trai và nam giới.

Tuy nhiên, chứng rối loạn ăn uống dường như đang trở nên phổ biến hơn ở nam giới và bé trai - họ có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn này liên quan đến việc tập thể dục quá sức và muốn có thân hình cơ bắp thay vì gầy.

Chứng chán ăn tâm thần

Những dấu hiệu là gì?

Bạn thấy rằng bạn:

  • lo lắng ngày càng nhiều về cân nặng của bạn
  • ăn ngày càng ít - đếm calo
  • tập thể dục ngày càng nhiều để đốt cháy calo
  • không thể ngừng mong muốn giảm cân, ngay cả khi bạn đang ở mức cân nặng thấp hơn mức an toàn so với độ tuổi và chiều cao của mình
  • hút thuốc nhiều hơn hoặc nhai kẹo cao su để kiểm soát cân nặng
  • ám ảnh việc kiểm tra cân nặng, vóc dáng hoặc hình ảnh phản chiếu của bạn trong gương
  • né tránh các tình huống xã hội có thể liên quan đến việc ăn uống
  • mặc quần áo rộng thùng thình để che giấu cơ thể
  • uống nhiều nước trước khi cân
  • loại bỏ một số nhóm thực phẩm nhất định và phân loại một số thực phẩm thành "tốt" và "xấu"
  • tránh các bữa ăn, đặc biệt là ở trường
  • giảm ham muốn tình dục
    • Ở bé gái hoặc phụ nữ - chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng trở nên không đều hoặc ngừng hẳn.
    • Ở nam giới hoặc bé trai - tình trạng cương cứng và mộng tinh ngừng lại, tinh hoàn teo lại.

Một số người nhận thấy rằng họ đã phát triển các vấn đề ám ảnh khác, chẳng hạn như tuân thủ nghiêm ngặt các thói quen và thời gian cứng nhắc, hoặc có thể có nỗi sợ về "ô nhiễm", luôn có nhu cầu phải học tập hoặc làm việc liên tục, hoặc khó khăn trong việc chi tiêu một cách hợp lý.

Khi nào bệnh chứng bắt đầu?

Hiện nay, chúng ta biết rằng mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc chứng chán ăn, nhưng chứng bệnh này thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng:

  • 1 trong 150 bé gái mười lăm tuổi
  • 1 trong 1000 bé trai mười lăm tuổi.

Điều gì xảy ra khi mắc chứng chán ăn?

  • Bạn nạp rất ít calo mỗi ngày. Bạn ăn "lành mạnh" - trái cây, rau và sa lát - nhưng chúng không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể bạn.
  • Bạn cũng có thể tập thể dục, sử dụng thuốc giảm cân hoặc hút thuốc nhiều hơn để giữ cân nặng.
  • Bạn không muốn cho phép bản thân mình ăn, nhưng bạn lại mua thức ăn và nấu cho người khác.
  • Bạn vẫn thấy đói như mọi khi, thậm chí bạn không thể ngừng nghĩ về đồ ăn.
  • Bạn trở nên sợ tăng cân hơn và quyết tâm giữ cân nặng của mình ở mức thấp hơn mức bình thường.
  • Gia đình có thể là những người đầu tiên nhận thấy bạn gầy đi và sụt cân.
  • Bạn có thể thấy mình không thể nói cho người khác biết lượng thức ăn thực sự bạn đã ăn và số cân bạn đã giảm.
  • Bạn cũng có thể tự gây nôn nếu ăn bất cứ thứ gì ngoài kế hoạch, đặc biệt là khi bạn mất kiểm soát việc ăn uống và ăn uống vô độ. Tuy nhiên, tình trạng này được gọi là 'chán ăn kiểu rối loạn cuồng ăn’ thay vì chứng cuồng ăn tâm thần. Những người mắc chứng cuồng ăn tâm thần thường có cân nặng ở mức bình thường.

Chứng cuồng ăn tâm thần

Những dấu hiệu là gì?

Bạn thấy rằng bạn:

  • lo lắng ngày càng nhiều về cân nặng của bạn
  • ăn uống vô độ (xem bên dưới)
  • tự làm mình nôn và/hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc các cách khác để loại bỏ calo
  • có chu kỳ kinh nguyệt không đều
  • cảm thấy mệt mỏi
  • cảm thấy tội lỗi
  • duy trì cân nặng bình thường, bất chấp nỗ lực ăn kiêng của bạn.

Khi nào bệnh chứng bắt đầu?

Chứng cuồng ăn tâm thần thường bắt đầu ở độ tuổi giữa thiếu niên. Tuy nhiên, mọi người có thể mắc bệnh trong nhiều năm trước khi họ cảm thấy có thể nhờ giúp đỡ. Người bệnh thường tìm kiếm sự giúp đỡ khi cuộc sống của họ thay đổi - bắt đầu một mối quan hệ mới hoặc lần đầu tiên phải sống chung với người khác.

Cứ 100 phụ nữ thì có khoảng 4 người mắc chứng cuồng ăn vào một thời điểm nào đó trong đời, tỷ lệ này thấp hơn ở nam giới..

Ăn uống vô độ

  • Bạn lục tủ lạnh hoặc ra ngoài và mua nhiều thức ăn có hàm lượng calo cao mà bình thường bạn sẽ tránh ăn.
  • Sau đó, bạn ăn hết tất cả một cách nhanh chóng, thường là trong bí mật.
  • Bạn có thể ăn hết các gói bánh quy, một vài hộp sô-cô-la và một số loại bánh chỉ trong vài giờ.
  • Bạn thậm chí có thể lấy đồ ăn của người khác hoặc trộm cắp vặt để thỏa mãn cơn thèm ăn.
  • Cơn ăn vô độ có thể bắt đầu như một bữa ăn đã lên kế hoạch, nhưng vì bạn đã hạn chế những gì mình ăn nên bạn thấy rằng một bữa ăn bình thường không làm bạn thỏa mãn nên bạn không thể ngừng ăn.
  • Sau đó, bạn cảm thấy no và đầy hơi – và có thể là cảm thấy tội lỗi và chán nản. Bạn cố gắng loại bỏ thức ăn đã ăn bằng cách tự gây nôn hoặc thanh lọc ruột bằng thuốc nhuận tràng. Điều này rất khó chịu và mệt mỏi, nhưng bạn thấy mình bị mắc kẹt trong thói quen ăn uống vô độ, nôn mửa và/hoặc thanh lọc.

Rối loạn ăn uống vô độ

Nếu bạn mắc chứng rối loạn này, bạn sẽ ăn kiêng và ăn uống vô độ, nhưng không tự gây nôn. 

Điều này gây đau buồn và bạn có thể tăng cân rất nhiều.

Liệu pháp tâm lý có thể hữu ích và bác sĩ gia đình của bạn có thể giới thiệu bạn đến dịch vụ IAPT (Cải thiện Khả năng Tiếp cận với các Liệu pháp Tâm lý (IAPT)).

Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách điều trị chứng rối loạn này trên trang web NHS Choices.

Chứng chán ăn và ăn vô độ có thể ảnh hưởng đến bạn như thế nào?

Nếu bạn không nạp đủ calo, bạn có thể:

Triệu chứng tâm lý

  • Ngủ không ngon.
  • Cảm thấy khó tập trung hoặc khó suy nghĩ rõ ràng về bất cứ điều gì ngoài trừ thức ăn hoặc calo.
  • Cảm thấy chán nản.
  • Mất hứng thú với người khác.
  • Trở nên ám ảnh về thức ăn và việc ăn uống (và đôi khi là những việc khác như giặt giũ, dọn dẹp hoặc sự ngăn nắp).

Triệu chứng cơ năng

  • Cảm thấy khó ăn hơn vì dạ dày của bạn đã teo lại.
  • Cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt và lạnh vì quá trình trao đổi chất của cơ thể chậm lại.
  • Bị táo bón.
  • Nhận thấy sự thay đổi về tóc và da. Một số người bị rụng tóc nhưng lại mọc lông tơ trên các bộ phận khác của cơ thể. Da trở nên khô và có thể bị loét do tì đè.
  • Không phát triển đến chiều cao tối đa hoặc bị giảm chiều cao với dáng đi ‘gù’.
  • Xương giòn và dễ gãy.
  • Không thể mang thai.
  • Gây hại cho gan, đặc biệt nếu bạn uống rượu.
  • Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể tử vong. Chán ăn tâm thần có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các rối loạn tâm lý.

Nếu bạn nôn, bạn có thể:

  • mất men răng (men răng bị hòa tan bởi axit dạ dày trong chất nôn của bạn)
  • mặt sưng phù (tuyến nước bọt ở má bị sưng lên)
  • nhận thấy tim đập không đều - đập nhanh (nôn mửa làm mất cân bằng muối trong máu)
  • cảm thấy yếu ớt
  • luôn cảm thấy mệt mỏi
  • thay đổi cân nặng đột ngột (xem bên dưới)
  • tổn thương thận
  • lên cơn động kinh
  • không thể mang thai.

Nếu bạn sử dụng nhiều thuốc nhuận tràng, bạn có thể:

  • bị đau dạ dày dai dẳng
  • ngón tay sưng phù
  • không thể đi vệ sinh nếu không dùng thuốc nhuận tràng (sử dụng thuốc nhuận tràng thường xuyên có thể làm tổn thương cơ ruột)
  • thay đổi cân nặng đột ngột. Bạn mất rất nhiều chất lỏng khi nôn, nhưng sẽ hấp thụ lại toàn bộ chất lỏng đó khi bạn uống nước sau đó (không có calo nào bị mất khi sử dụng thuốc nhuận tràng).

Nguyên nhân nào gây ra chứng rối loạn ăn uống?

Không có câu trả lời đơn giản, nhưng các giả thuyết sau đây đã được đề xuất:

  • Di truyền học: Có rất nhiều bằng chứng cho thấy chứng rối loạn ăn uống có tính di truyền trong gia đình ngay cả khi những người mắc bệnh không nhất thiết phải sống cùng nhau, và một số gen nhất định khiến con người không chỉ dễ mắc chứng rối loạn ăn uống hơn, mà còn cả các tình trạng liên quan.
  • Thiếu công tắc “tắt”: Hầu hết chúng ta chỉ có thể ăn kiêng đến một mức độ nào đó trước khi cơ thể báo hiệu rằng đã đến lúc phải ăn lại. Một số người mắc chứng chán ăn có thể không có "công tắc" cơ thể này và có thể duy trì cân nặng ở mức thấp nguy hiểm trong một thời gian dài.
  • Sự kiểm soát: Ăn kiêng có thể mang lại cảm giác thỏa mãn. Hầu hết chúng ta đều biết cảm giác thành tựu khi thấy trọng lượng giảm đi vài cân. Thật tốt khi cảm thấy mình có thể kiểm soát bản thân một cách rõ ràng, dễ thấy. Có thể cân nặng là khía cạnh duy nhất trong cuộc sống mà bạn cảm thấy mình có thể kiểm soát được.
  • Tuổi dậy thì: Chứng chán ăn có thể đảo ngược một số thay đổi về mặt thể chất khi trưởng thành – lông mu và lông mặt ở nam giới, ngực và kinh nguyệt ở nữ giới. Điều này có thể làm trì hoãn những nhu cầu của tuổi trưởng thành, đặc biệt là nhu cầu tình dục.
  • Áp lực xã hội: Môi trường xã hội xung quanh có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của chúng ta. Những xã hội không coi trọng sự gầy gò thường ít mắc chứng rối loạn ăn uống hơn. Những nơi coi trọng sự gầy gò, chẳng hạn như trường dạy múa ba lê, có nhiều trường hợp rối loạn ăn uống hơn. Văn hóa phương Tây coi ‘gầy là đẹp’. Truyền hình, báo chí và tạp chí thường đăng hình ảnh những người gầy gò một cách không thực tế. Đối với những người mặc cảm về ngoại hình cơ thể, phòng tập thể dục và câu lạc bộ sức khỏe cũng có thể củng cố nhận thức này. Vì vậy, vào lúc này hay lúc khác, hầu hết chúng ta đều cố gắng ăn kiêng. Một số người trong chúng ta có thể ăn kiêng quá mức, nhưng đối với người có nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống, điều này có thể khiến việc ăn kiêng trở nên nguy hiểm và người đó có thể mắc chứng chán ăn.
  • Gia đình: Ăn uống là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta với mọi người. Việc chấp nhận thức ăn mang lại niềm vui và việc từ chối nó thường sẽ khiến người khác buồn lòng. Điều này đặc biệt đúng trong gia đình.  Nói “không” với đồ ăn có thể là cách duy nhất bạn cảm thấy mình có thể bày tỏ cảm xúc hoặc có tiếng nói trong các vấn đề gia đình.  Việc giao tiếp cởi mở và trung thực giữa người chăm sóc và người bệnh là điều cần thiết. Điều quan trọng nữa là không nên phán xét quá nhiều. Mặt khác, những gia đình hạnh phúc thường cố gắng bảo vệ bạn khỏi những hậu quả của chứng rối loạn ăn uống, và điều này có thể khiến tình trạng kéo dài hơn.
  • Chứng trầm cảm: Hầu hết chúng ta đều từng ăn uống để giải tỏa cảm xúc khi buồn bã hoặc thậm chí chỉ là buồn chán. Những người mắc chứng cuồng ăn thường bị trầm cảm, và cơn ăn uống vô độ có thể bắt đầu như một cách để đối phó với cảm giác không hạnh phúc. Đáng tiếc, nôn mửa và sử dụng thuốc nhuận tràng có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn.
  • Sự tự tin vào bản thân thấp: Những người mắc chứng chán ăn và cuồng ăn thường không đánh giá cao về bản thân mình và so sánh mình một cách tiêu cực với người khác. Giảm cân có thể là một cách để đạt được cảm giác được tôn trọng và giá trị bản thân.
  • Nỗi đau buồn về mặt cảm xúc: Tất cả chúng ta đều phản ứng khác nhau khi những điều tồi tệ xảy ra hoặc khi cuộc sống của chúng ta thay đổi. Chứng chán ăn và chứng cuồng ăn có liên quan đến:
    • những khó khăn trong cuộc sống
    • lạm dụng tình dục
    • bệnh lý thể chất
    • những sự kiện đau buồn - cái chết hoặc sự tan vỡ của một mối quan hệ
    • những sự kiện quan trọng - kết hôn hoặc rời xa nhà.
  • Vòng luẩn quẩn: Rối loạn ăn uống có thể tiếp diễn ngay cả khi nguyên nhân ban đầu đã qua đi. Một khi dạ dày của bạn bị teo lại, việc ăn uống có thể trở nên khó chịu và đáng sợ.
  • Nguyên nhân thể chất: Một số bác sĩ cho rằng có thể có nguyên nhân thể chất nào đó mà chúng ta chưa hiểu rõ.
  • Một số bệnh lý và cách điều trị: Tỷ lệ chán ăn tương đối cao ở những người mắc bệnh tiểu đường, xơ nang hoặc các bệnh khác khiến chế độ ăn phải được theo dõi và nếu không được điều trị đầy đủ, cân nặng sẽ giảm. Việc bỏ qua sức khỏe của bản thân để giảm cân có thể rất nguy hiểm.

Nam giới, người có nhu cầu đặc biệt và trẻ nhỏ

Đối với nam giới thì có khác không?

  • Rối loạn ăn uống dường như đang trở nên phổ biến hơn ở nam giới và các bé trai.
  • Rối loạn ăn uống thường gặp ở những nghề đòi hỏi cân nặng thấp (hoặc ít mỡ cơ thể). Bao gồm cưỡi ngựa, thể hình, đấu vật, quyền anh, khiêu vũ, bơi lội, điền kinh và chèo thuyền.
  • Có thể đàn ông hiện nay đang tìm kiếm sự giúp đỡ để điều trị chứng rối loạn ăn uống thay vì giữ im lặng về vấn đề này.

Người có nhu cầu đặc biệt và trẻ nhỏ

Khó khăn trong học tập, chứng tự kỷ hoặc một số vấn đề phát triển khác có thể làm gián đoạn thói quen ăn uống. Ví dụ, một số người mắc chứng tự kỷ có thể không thích màu sắc hoặc kết cấu của thực phẩm và từ chối ăn chúng.

Các vấn đề về ăn uống của trẻ trước tuổi vị thành niên thường liên quan đến kết cấu thức ăn, “kén ăn” hoặc tức giận hơn là do muốn trở nên gầy hơn. Cách giải quyết những vấn đề này khá khác so với cách giải quyết chứng chán ăn và cuồng ăn.

Tôi có gặp vấn đề gì không?

Bảng câu hỏi 'SCOFF' được các bác sĩ sử dụng có nội dung như sau:

  • bạn có tự gây nôn vì cảm thấy quá no không?
  • bạn có lo lắng rằng mình đã mất kiểm soát lượng thức ăn mình ăn không?
  • gần đây bạn có giảm được hơn 6 kí lô gam (khoảng một stôn) trong vòng ba tháng không?
  • bạn có tin rằng mình béo khi người khác nói bạn gầy không?
  • bạn có cho rằng đồ ăn chi phối cuộc sống của bạn không?

Nếu bạn trả lời “có” cho hai hoặc nhiều câu hỏi này, bạn có thể mắc chứng rối loạn ăn uống.

Làm thế nào để tôi tự giúp bản thân?

Đôi khi, chứng cuồng ăn có thể được giải quyết bằng cách sử dụng cẩm nang tự giúp đỡ với sự hướng dẫn của bác sĩ trị liệu.

Chứng chán ăn thường cần sự giúp đỡ có tổ chức hơn từ phòng khám hoặc bác sĩ trị liệu. Bạn vẫn nên tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt về các lựa chọn để có thể đưa ra quyết định tốt nhất cho mình.

Nên làm:

  • Tuân thủ giờ ăn đều đặn – bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Nếu cân nặng của bạn quá thấp, hãy ăn thêm bữa ăn nhẹ vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối.
  • Hãy thử nghĩ đến một bước nhỏ mà bạn có thể thực hiện để có chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Nếu bạn không thể ăn sáng, hãy thử ngồi vào bàn ăn trong vài phút vào giờ ăn sáng và chỉ uống một cốc nước. Khi bạn đã quen với việc này, hãy ăn một chút, thậm chí chỉ nửa lát bánh mì nướng – nhưng hãy thực hiện mỗi ngày.
  • Hãy ghi nhật ký về những gì bạn ăn, thời điểm bạn ăn và suy nghĩ cũng như cảm xúc của bạn mỗi ngày. Bạn có thể sử dụng điều này để xem liệu có mối liên hệ nào giữa cảm giác của bạn, những điều bạn đang nghĩ và cách bạn ăn hay không.
  • Cố gắng cởi mở về những gì bạn đang ăn hoặc không ăn, với cả bản thân và người khác. Sự bí mật là một trong những khía cạnh cô lập nhất của chứng rối loạn ăn uống.
  • Nhắc nhở bản thân rằng bạn không phải lúc nào cũng phải đạt được điều gì đó – hãy cho phép bản thân được nghỉ ngơi đôi lúc.
  • Hãy nhắc nhở bản thân rằng nếu bạn giảm nhiều cân hơn, bạn sẽ cảm thấy lo lắng và chán nản hơn về trung hạn, mặc dù bạn có thể cảm thấy tốt hơn trong ngắn hạn.
  • Hãy lập hai danh sách – một danh sách về những gì chứng rối loạn ăn uống mang lại cho bạn, một danh sách về những gì bạn đã mất đi vì nó. Một cuốn sách tự giúp đỡ có thể giúp bạn làm điều này.
  • Hãy cố gắng đối xử tốt với cơ thể của bạn, đừng trừng phạt nó.
  • Hãy đảm bảo rằng bạn biết cân nặng hợp lý đối với mình là bao nhiêu và hiểu lý do tại sao.
  • Đọc những câu chuyện về kinh nghiệm phục hồi của người khác. Bạn có thể tìm thấy những điều này trong sách tự giúp đỡ hoặc trên internet.
  • Hãy nghĩ đến việc tham gia một nhóm tự giúp đỡ, chẳng hạn như B-eat. Bác sĩ gia đình của bạn cũng có thể giới thiệu một nhóm phù hợp.
  • Tránh xa các trang web hoặc mạng xã hội khuyến khích bạn giảm cân và duy trì cân nặng ở mức quá thấp. Chúng khuyến khích bạn làm hại sức khỏe của mình nhưng lại không làm gì để giúp bạn khi bạn bị bệnh.

Không nên làm:

  • Không nên cân quá một lần mỗi tuần.
  • Đừng tốn thời gian kiểm tra cơ thể và ngắm mình trong gương. Không ai là hoàn hảo. Càng nhìn vào bản thân lâu, bạn càng có khả năng tìm ra điều gì đó mà bạn không thích. Việc kiểm tra liên tục có thể khiến ngay cả người hấp dẫn nhất cũng không hài lòng với ngoại hình của mình.
  • Đừng cô lập bản thân khỏi gia đình và bạn bè. Bạn có thể muốn làm vậy vì họ nghĩ bạn quá gầy, nhưng họ có thể là cứu cánh của bạn.

Nếu tôi không tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc không thay đổi thói quen ăn uống thì sao?

Hầu hết những người mắc chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng cuối cùng sẽ cần điều trị, vì vậy không rõ điều gì sẽ xảy ra nếu không làm gì.

Tuy nhiên, có vẻ như hầu hết các chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng đều không tự khỏi.

Một số người mắc chứng chán ăn sẽ tử vong.

Tập thể dục khi cân nặng thấp rất nguy hiểm, đặc biệt nếu bạn tập ngoài trời trong thời tiết lạnh.

Nhận trợ giúp chuyên môn cho chứng chán ăn

Bác sĩ gia đình có thể giới thiệu bạn đến một cố vấn chuyên khoa, bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học.

Bạn có thể chọn một nhà trị liệu tư nhân, nhóm tự giúp đỡ hoặc phòng khám, nhưng vẫn an toàn hơn nếu cho bác sĩ gia đình biết tình hình của bạn.

Kiểm tra sức khỏe thể chất là điều nên làm. Chứng rối loạn ăn uống của bạn có thể gây ra các vấn đề về thể chất. Ít phổ biến hơn, bạn có thể mắc phải tình trạng bệnh lý chưa được phát hiện.

Phương pháp điều trị hữu ích nhất có thể sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng cụ thể, độ tuổi và tình trạng của bạn.

Những bước đầu tiên sau khi được giới thiệu điều trị chứng chán ăn

  • Trước tiên, bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học sẽ muốn nói chuyện với bạn để tìm hiểu xem vấn đề bắt đầu khi nào và phát triển như thế nào. Bạn sẽ được cân và tùy thuộc vào lượng cân đã giảm, bạn có thể cần phải khám sức khỏe và xét nghiệm máu. Với sự cho phép của bạn, bác sĩ tâm thần có thể sẽ muốn nói chuyện với gia đình bạn (và có thể là một người bạn) để xem họ có thể làm sáng tỏ vấn đề này hay không. Nếu bạn không muốn gia đình mình liên quan, ngay cả những bệnh nhân nhỏ tuổi cũng có quyền được bảo mật. Điều này đôi khi có thể phù hợp vì có sự lạm dụng hoặc căng thẳng trong gia đình.
  • Nếu bạn vẫn sống ở nhà, bố mẹ bạn có thể đảm nhiệm việc kiểm tra những thực phẩm bạn đang ăn, ít nhất là lúc đầu. Điều này bao gồm việc đảm bảo bạn ăn uống đều đặn cùng các thành viên khác trong gia đình và nạp đủ lượng calo. Bạn sẽ gặp bác sĩ trị liệu thường xuyên để kiểm tra cân nặng và để được hỗ trợ.
  • Việc giải quyết vấn đề này có thể gây căng thẳng cho tất cả mọi người liên quan, vì vậy gia đình bạn có thể cần được hỗ trợ. Điều này không nhất thiết có nghĩa là cả gia đình phải cùng nhau đến các buổi trị liệu (mặc dù điều này có thể hữu ích đối với những người trẻ tuổi). Điều này có nghĩa là gia đình bạn có thể nhận được sự giúp đỡ để hiểu và đối phó với vấn đề. Tuy nhiên, sự tham gia của cha mẹ cùng người bệnh và bác sĩ tâm thần đôi khi có thể hỗ trợ quá trình phục hồi.
  • Bạn sẽ có cơ hội thảo luận về bất cứ điều gì có thể khiến bạn buồn phiền - các mối quan hệ, học tập, công việc hoặc những thách thức liên quan đến sự tự tin của bản thân.
  • Lúc đầu, có thể bạn sẽ không muốn nghĩ đến việc trở lại cân nặng bình thường, nhưng bạn sẽ muốn cảm thấy khỏe hơn - và để cảm thấy khỏe hơn, bạn cần phải trở lại cân nặng khỏe mạnh. Bạn sẽ cần biết:
    • cân nặng khỏe mạnh của bạn là bao nhiêu?
    • Bạn cần bao nhiêu thức ăn mỗi ngày để đạt được điều đó?
    • Làm sao để chắc chắn rằng bạn không bị béo phì?
    • Làm sao bạn có thể chắc chắn rằng bạn có thể kiểm soát được việc ăn uống của mình?

Tâm lý trị liệu hoặc tư vấn cho chứng chán ăn

  • Phương pháp này bao gồm việc nói chuyện với bác sĩ trị liệu, có thể là một giờ mỗi tuần, về những suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Nó có thể giúp bạn hiểu được vấn đề bắt đầu như thế nào và làm thế nào để thay đổi một số cách suy nghĩ và cảm nhận của bạn về mọi thứ. Có thể khó khăn khi nói về một số điều, nhưng một bác sĩ trị liệu giỏi sẽ giúp bạn làm điều này bằng cách giúp bạn đối phó tốt hơn với những khó khăn của mình. Chúng cũng sẽ giúp bạn trân trọng bản thân mình hơn và xây dựng lại sự tự tin bản thân.
  • Các phiên bản đặc biệt của Liệu pháp nhận thức hành viTrị liệu liên cá nhân thường được cung cấp khi bạn đủ khỏe để hưởng lợi từ những thách thức của liệu pháp thay vì bị căng thẳng hơn vì chúng. Nếu bạn thực hiện liệu pháp khi cân nặng của bạn thấp hoặc đang giảm, căng thẳng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn thay vì tốt hơn.
  • Đôi khi, trị liệu có thể được thực hiện trong một nhóm nhỏ những người có vấn đề tương tự.
  • Các thành viên khác trong gia đình bạn có thể tham gia nếu được bạn cho phép.  Hình thức trị liệu gia đình được nghiên cứu tốt nhất cho chứng chán ăn được gọi là 'Mô hình Maudsley'. Người trưởng thành có bạn đời có thể được điều trị như một cặp đôi. Người thân và người chăm sóc cũng có thể được gặp riêng trong các buổi họp để giúp họ hiểu chuyện gì đã xảy ra với bạn, cách họ có thể hợp tác với bạn và cách họ có thể đối phó với tình hình.
  • Phương pháp điều trị này có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
  • Bác sĩ sẽ chỉ đề nghị nhập viện nếu các bước này không hiệu quả hoặc nếu bạn bị thiếu cân ở mức nguy hiểm.

Điều trị tại bệnh viện

Điều này cũng bao gồm kiểm soát việc ăn uống và thảo luận về các vấn đề, nhưng trong một môi trường được giám sát và có cấu trúc hơn.

  • Xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để kiểm tra xem bạn có bị thiếu máu hoặc có nguy cơ nhiễm trùng hay không.
  • Kiểm tra cân nặng thường xuyên - để đảm bảo rằng bạn đang tăng cân dần.
  • Có thể cần phải thực hiện các xét nghiệm thể chất khác để theo dõi bất kỳ tổn thương nào ở tim, phổi và xương của bạn.

Tư vấn và hỗ trợ về ăn uống và tập thể dục

  • Chuyên gia dinh dưỡng có thể gặp bạn để thảo luận về chế độ ăn uống lành mạnh - lượng thức ăn bạn ăn và cách đảm bảo bạn nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sức khỏe.
  • Bạn có thể cần bổ sung vitamin và khoáng chất trong một thời gian vì cơ thể bạn có thể thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết.
  • Bạn chỉ có thể lấy lại cân nặng khỏe mạnh bằng cách ăn nhiều hơn và điều này có thể rất khó khăn lúc đầu. Nhân viên y tế sẽ giúp bạn:
  • Đặt mục tiêu tăng cân hợp lý
  • Ăn uống đều đặn
  • Đối phó với sự lo âu mà bạn cảm thấy
  • Bác sĩ gia đình sẽ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia sinh lý học thể dục có trình độ phù hợp để tư vấn cho bạn về số lượng, loại hình và cường độ bài tập phù hợp với bạn.

Thuốc điều trị chứng chán ăn

Đôi khi, bác sĩ kê đơn thuốc để giúp giảm bớt sự lo âu mà bạn gặp phải khi chiến đấu với căn bệnh và đặc biệt là để giảm bớt những "suy nghĩ miên man" mà người bệnh mô tả.

Hầu hết kinh nghiệm đều liên quan đến thuốc Olanzapine vì thuốc này an toàn nhất ở người trẻ và người nhẹ cân. Thuốc này có thể hiệu quả hơn diazepam và các loại thuốc tương tự và ít có nguy cơ gây nghiện.

Tăng cân không đồng nghĩa với phục hồi - nhưng bạn không thể phục hồi nếu không tăng cân. Những người bị đói nghiêm trọng thường thấy khó tập trung hoặc khó suy nghĩ mạch lạc, đặc biệt là về cảm xúc của họ.

Điều trị bắt buộc cho chứng chán ăn

Điều này là không phổ biến. Điều này chỉ được thực hiện nếu ai đó trở nên quá yếu đến mức:

  • không thể tự đưa ra quyết định đúng đắn cho mình
  • cần được bảo vệ khỏi những tổn hại nghiêm trọng.

Trong chứng chán ăn, điều này có thể xảy ra nếu cân nặng của bạn quá thấp đến mức sức khỏe (hoặc tính mạng) của bạn bị đe dọa và khả năng suy nghĩ của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc giảm cân.

Phương pháp điều trị chứng chán ăn có hiệu quả như thế nào?

  • Hơn một nửa số người bệnh sẽ hồi phục, mặc dù trung bình họ sẽ phải bị bệnh trong 6-7 năm.
  • Người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn ngay cả sau 20 năm chán ăn nghiêm trọng.
  • Các nghiên cứu trước đây về những người bệnh nặng nhất phải nhập viện cho thấy cứ năm người thì có một người có thể tử vong. Với sự chăm sóc hiện đại, tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều nếu bệnh nhân được chăm sóc y tế thường xuyên.
  • Miễn là tim và các cơ quan khác không bị tổn thương, hầu hết các biến chứng do suy dinh dưỡng dường như cải thiện dần khi người bệnh ăn uống đủ.

Nhận sự giúp đỡ chuyên môn cho chứng cuồng ăn

Bác sĩ gia đình có thể giới thiệu bạn đến một cố vấn chuyên khoa, bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học.

Bạn có thể chọn một nhà trị liệu tư nhân, nhóm tự giúp đỡ hoặc phòng khám, nhưng vẫn an toàn hơn nếu cho bác sĩ gia đình biết tình hình của bạn.

Kiểm tra sức khỏe thể chất là điều nên làm. Chứng rối loạn ăn uống của bạn có thể gây ra các vấn đề về thể chất. Ít phổ biến hơn, bạn có thể mắc phải tình trạng bệnh lý chưa được phát hiện.

Phương pháp điều trị hữu ích nhất có thể sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng cụ thể, độ tuổi và tình trạng của bạn.

Tâm lý trị liệu cho chứng cuồng ăn

Có hai loại tâm lý trị liệu đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị chứng cuồng ăn tâm thần. Cả hai đều được tổ chức theo từng buổi hàng tuần trong khoảng 20 tuần.

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)

Điều này thường được thực hiện với một nhà trị liệu cá nhân, với một cuốn sách tự giúp đỡ, trong các buổi học nhóm hoặc với một đĩa CD Rom.

Liệu pháp nhận thức hành vi giúp bạn xem xét chi tiết những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Bạn có thể cần ghi nhật ký về thói quen ăn uống của mình để tìm ra nguyên nhân gây ra cơn ăn vô độ của bạn.

Sau đó, bạn có thể tìm ra cách tốt hơn để suy nghĩ và giải quyết những tình huống hoặc cảm xúc này. Tương tự như việc điều trị chứng chán ăn, nhà trị liệu sẽ giúp bạn lấy lại giá trị của bản thân.

Trị liệu liên cá nhân (IPT)

Phương pháp này thường được thực hiện với một nhà trị liệu cá nhân, nhưng tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ của bạn với người khác. Bạn có thể đã mất đi một người bạn, một người thân yêu đã qua đời hoặc bạn có thể đã trải qua một thay đổi lớn trong cuộc sống, chẳng hạn như chuyển nhà. Liệu pháp này giúp bạn xây dựng lại các mối quan hệ hỗ trợ có thể đáp ứng nhu cầu cảm xúc của bạn tốt hơn việc ăn uống.

Lời khuyên ăn uống giúp điều trị chứng cuồng ăn

Điều này giúp bạn quay lại chế độ ăn uống bình thường, do đó bạn có thể duy trì cân nặng ổn định mà không bị đói hoặc nôn mửa. Chuyên gia dinh dưỡng có thể tư vấn cho bạn cách ăn uống lành mạnh.

Một hướng dẫn như “Cải thiện từng bước một” (xem tài liệu tham khảo) có thể hữu ích.

Thuốc điều trị chứng cuồng ăn

Ngay cả khi bạn không bị trầm cảm, thuốc chống trầm cảm liều cao như Fluoxetine (Prozac) cũng có thể làm giảm cơn thèm ăn vô độ.

Điều này có thể làm giảm các triệu chứng của bạn trong vòng 2-3 tuần và tạo ra “cú hích” cho tâm lý trị liệu. Thật không may, nếu không có những hình thức hỗ trợ khác, lợi ích sẽ mất đi sau một thời gian.

Phương pháp điều trị chứng cuồng ăn có hiệu quả như thế nào?

  • Khoảng một nửa số người bệnh sẽ hồi phục, giảm tình trạng ăn uống vô độ và nôn mửa ít nhất một nửa. Đây không phải là cách chữa trị hoàn toàn, nhưng sẽ giúp bạn lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình, ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề ăn uống hơn.
  • Kết quả sẽ tệ hơn nếu bạn còn có vấn đề với các chất kích thích, rượu hoặc tự làm hại mình.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi và Trị liệu liên cá nhân có hiệu quả như nhau trong vòng một năm, mặc dù CBT có vẻ bắt đầu có tác dụng sớm hơn một chút.
  • Có một số bằng chứng cho thấy sự kết hợp giữa thuốc và tâm lý trị liệu có hiệu quả hơn so với việc chỉ dùng một trong hai phương pháp điều trị.
  • Quá trình phục hồi thường diễn ra chậm trong vài tháng hoặc nhiều năm.

Thông tin thêm

Tư vấn trực tuyến

B-eat (trước đây là Hiệp hội Rối loạn Ăn uống): Đường dây trợ giúp cho người lớn: 0845 634 1414; đường dây trợ giúp thanh thiếu niên (dưới 25 tuổi): 0845 634 7650. B-eat là tổ chức từ thiện hàng đầu của Vương quốc Anh hỗ trợ bất kỳ ai bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn ăn uống hoặc các vấn đề về thực phẩm, bao gồm cả gia đình và bạn bè.

Bodywhys – Hiệp hội Rối loạn Ăn uống của Ireland: Đường dây trợ giúp: 1890 200 444. Email: info@bodywhys.ie

DWED (Trang web dành cho người bị tiểu đường mắc chứng rối loạn ăn uống)

Hy vọng cho Rối loạn ăn uống: Trang web của Mỹ cung cấp thông tin, các phương pháp điều trị rối loạn ăn uống, công cụ phục hồi và các nguồn lực cho những người mắc chứng rối loạn ăn uống, nhà cung cấp dịch vụ điều trị và người thân của họ.

Healthtalk.org: có một mục tập trung vào những người trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống.

Sức khỏe tâm thần Ireland
Email: information@mentalhealthireland.ie. Cung cấp hỗ trợ cho những người bị bệnh tâm thần và thúc đẩy sức khỏe tâm thần tích cực.

Dịch vụ Y tế Quốc gia chính phủ Anh 111 (NHS): Hướng dẫn của NHS: Gọi 111 khi bạn cần trợ giúp y tế nhanh chóng nhưng không phải là trường hợp khẩn cấp 999. Hoạt động 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm, các cuộc gọi từ điện thoại cố định và điện thoại di động đều miễn phí.

Tài nguyên liệu pháp nhận thức hành vi trực tuyến

Đọc thêm

Thoát khỏi chứng chán ăn tâm thần: Cẩm nang sinh tồn dành cho gia đình, bạn bè và người mắc bệnh của Janet Treasure (Psychology Press).

Chán ăn tâm thần và chứng cuồng ăn: cách khắc phục của M. Duker & R. Slade (Open University Press).

Rối loạn ăn uống: Sách hướng dẫn dành cho phụ huynh của Rachel Bryant-Waugh và Brian Lask (Penguin Books).

Học tập dựa trên kỹ năng để chăm sóc người thân mắc chứng Rối loạn ăn uống: Phương pháp Maudsley mới. Janet Treasure, Grainne Smith và Anna Crane.

Chứng cuồng ăn tâm thần và chứng ăn vô độ: Hướng dẫn phục hồi của P. J. Cooper và Christopher Fairbairn (Nhà xuất bản Constable và Robinson).

Vượt qua chứng ăn uống vô độ của Christopher Fairburn (Guildford Press).

Cải thiện từng bước một: Bộ dụng cụ sinh tồn dành cho người mắc chứng cuồng ăn và chứng rối loạn ăn uống vô độ của Janet Treasure và Ulrike Schmidt (Nhà xuất bản Hove Psychology).

Chán ăn tâm thần và các rối loạn ăn uống liên quan (ANRED).

Mẹo tự giúp đỡ: http://www.anred.com/slf_hlp.html

Tài liệu tham khảo và trích nguồn

  • Agras, W. S.,Walsh, B.T., Fairburn, C. G., et al (2000) A multicentre comparison of cognitive-behavioural therapy and interpersonal psychotherapy for bulimia nervosa. Archives of General Psychiatry, 57, 459-466.
  • Bacaltchuk J., Hay P., Trefiglio R. Antidepressants versus psychological treatments and their combination for bulimia nervosa (Cochrane Review). In: The Cochrane Library, Issue 2 2003. Oxford: Update Software.
  • Bissada H. et al. Olanzapine in the treatment of low body weight and obsessive thinking in women with anorexia nervosa: a randomized, double-blind, placebo-controlled trial. Am J Psychiatry 2008 Jun 16.
  • Eisler, I., Dare, C., Russell, G. F. M., et al (1997) Family and individual therapy in anorexia nervosa. Archives of General Psychiatry, 54, 1025-1030.
  • Eisler, I., Dare, C., Hodes, M., et al (2000) Family therapy for anorexia nervosa in adolescents: the results of a controlled comparison of two family interventions.
    Journal of Child Psychology and Psychiatry, 41,727-736.
  • Fairburn, C. G., Norman, P.A., Welch, S. L., et al (1995) A prospective study of outcome in bulimia nervosa and the long-term effects of three psychological treatments. Archives of General Psychiatry, 52, 304-312.
  • Hay, P. J., & Bacaltchuk, J. (2001) Psychotherapy for bulimia nervosa and bingeing (Cochrane Review) In: The Cochrane Library, Issue 1.
  • Lowe, B., Zipfel, S., Buchholz, C., Dupont, Y., Reas, D.L. & Herzog, W. (2001). Long-term outcome of anorexia nervosa in a prospective 21-year follow-up study. Psychological Medicine, 31, 881-890.
  • Luck A.J., Morgan J.F., Reid F. et al. (2002) The SCOFF questionnaire and clinical interview for eating disorders in general practice: comparative study. BMJ, 325, 755-756.
  • Milos, G., Spindler A., Schnyder, U. & Fairburn, C.G. (2005) Instability of eating disorder diagnoses: prospective study. British Journal of Psychiatry, 187, 573-578.
  • NICE: Eating disorders (CG9) Eating Disorders: Core interventions in the treatment and management of anorexia nervosa, bulimia nervosa and related eating disorders (2004).
  • Theander, S. (1985) Outcome and prognosis in anorexia nervosa and bulimia. Some results of previous investigations compared with those of a Swedish long-term study. Journal of Psychiatric Research, 19, 493-508.
  • Senior R; Barnes J; Emberson J.R. and Golding J. on behalf of the ALSPAC Study Team (2005) Early experiences and their relationship to maternal eating disorder symptoms, both lifetime and during pregnancy. British Journal of Psychiatry, 187, 268-273.

Xuất bản: Tháng 11/2019

Hạn xem xét: Tháng 11/2022

© Đại học Tâm thần học Hoàng gia (Royal College of Psychiatrists)

This translation was produced by CLEAR Global (Mar 2025)

Read more to receive further information regarding a career in psychiatry