Các vấn đề về trí nhớ và bệnh sa sút trí tuệ
Memory problems and dementia
Below is a Vietnamese translation of our information resource on memory problems and dementia. You can also view our other Vietnamese translations.
Nhiều người trong chúng ta trở nên hay quên hơn khi chúng ta già đi.
Việc lo lắng rằng đây có thể là dấu hiệu sớm của bệnh sa sút trí tuệ hay bệnh Alzheimer là điều dễ thấy.
Nhưng có rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến vấn đề này - chỉ một vài người trong số chúng ta gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn liên quan đến sa sút trí tuệ. Trang web này sẽ xem xét một số nguyên nhân gây ra trí nhớ kém, bao gồm sa sút trí tuệ và cách để tìm trợ giúp nếu bạn lo lắng về trí nhớ của mình hoặc của ai đó khác.
Rất nhiều thứ có thể ảnh hưởng đến trí nhớ - chẳng hạn như căng thẳng, trầm cảm, đau buồn vì mất mát - và thậm chí là các bệnh lý về thể chất như thiếu hụt vitamin hoặc nhiễm trùng.1
Dưới đây, chúng tôi sẽ tập trung vào hai vấn đề cụ thể liên quan đến trí nhớ: Sa sút trí tuệ ở các dạng khác nhau, gồm có bệnh Alzheimer và suy giảm nhận thức nhẹ (MCI).
Sa sút trí tuệ là gì?
Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ chung được dùng để miêu tả một nhóm các điều kiện ảnh hưởng đến trí nhớ.
- Bạn cảm thấy khó khăn hơn khi phải ghi nhớ việc gì đó hoặc gặp phải những vấn đề với khả năng suy nghĩ của mình. Những điều này khiến việc xử lý công việc hằng ngày của bạn trở nên khó khăn hơn.
- Những vấn đề này ngày càng trở nên xấu hơn hoặc đang dần “tiến triển”. Chúng không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa.2
Có nhiều dạng sa sút trí tuệ khác nhau. Chúng đều liên quan đến việc mất trí nhớ, nhưng chúng cũng có những triệu chứng khác, tùy vào những nguyên nhân khác nhau. Sa sút trí tuệ thường sẽ bắt đầu với những vấn đề về trí nhớ, nhưng một người mắc sa sút trí tuệ cũng có thể cảm thấy khó khăn khi phải:
- lên kế hoạch và thực hiện các công việc hằng ngày
- giao tiếp với người khác.
Họ cũng có thể thay đổi tâm trạng, khả năng đưa ra quyết định, hoặc bạn có thể nhận thấy sự thay đổi trong tính cách của họ.
Khi sa sút trí tuệ “tiến triển”, một người mắc chứng này qua thời gian sẽ ngày càng trở nên phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác.
Sa sút trí tuệ phổ biến như thế nào?
Hiện nay chứng bệnh này ảnh hưởng đến hơn 850.000 người ở Anh quốc3. Nó càng trở nên phổ biến hơn khi chúng ta già đi, vì thế:
- Ở độ tuổi 65, cứ 100 người sẽ có khoảng 2 người bị sa sút trí tuệ.
- Ở độ tuổi 85, cứ 5 người sẽ khoảng 1 người mắc sa sút tuệ ở mức độ nào đó. 4
Bệnh sa sút trí tuệ thỉnh thoảng có thể ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi hơn và có thể di truyền trong gia đình, mặc dù điều này ít phổ biến hơn.
Suy giảm nhận thức nhẹ là gì?
Suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) là một vấn đề về trí nhớ nhưng ít nghiêm trọng hơn. Tình trạng này không cản trở quá nhiều đến cuộc sống hằng ngày của bạn và nó cũng không đủ nghiêm trọng để được gọi là sa sút trí tuệ. Bạn có thể nhận thấy rằng mình:
- quên tên một số người, nơi chốn, mật khẩu
- đặt nhầm chỗ các đồ vật
- quên làm những việc mà bạn đã định làm.
Cứ mỗi 10 người trên 65 tuổi thì có khoảng 1 người có thể mắc tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ (MCI). Trong số những người này, mỗi một năm sẽ có khoảng 1/10 phát triển thành bệnh sa sút trí tuệ. 5Chúng ta vẫn chưa thể dự đoán trước được ai sẽ tiếp tục mắc và ai sẽ không.
Sa sút trí tuệ có những loại nào?
Dưới đây chúng tôi sẽ mô tả những kiểu sa sút trí tuệ phổ biến nhất. Nhưng một người thỉnh thoảng có thể có nhiều hơn một trong các rối loạn này - kiểu “sa sút trí tuệ hỗn hợp”.
Bệnh Alzheimer
Eileen, 82 tuổi, là một thư ký đã nghỉ hưu, đang sống cùng và chăm sóc cho người chồng 90 tuổi già yếu của mình. Bà có thể chất khỏe mạnh và không sử dụng bất cứ loại thuốc nào.
Trong 2 năm trở lại đây, các con gái của Eileen nhận thấy rằng bà đã liên tục làm mất chìa khóa và quên đưa thuốc cho chồng đúng giờ. Mặc dù Eileen lái xe rất thuần thục, nhưng chiếc xe hơi của bà giờ lại có một vết lõm ở cản xe và một vài vết xước trên hông xe, và Eileen không thể giải thích được vì sao lại thế. Bà ấy cũng không có khả năng mở ti vi bằng chiếc điều khiển mới. Đầu tiên họ cho rằng những vấn đề này là vì tuổi tác của bà và căng thẳng đến từ việc chăm sóc chồng.
Eileen không thực sự thấy vấn đề gì đối với trí nhớ của mình. Bà trở nên cáu kỉnh và buồn bã khi các con gái bày tỏ sự lo lắng về trí nhớ của bà. Sau nhiều lần thuyết phục, bà đồng ý đến gặp bác sĩ gia đình cùng con mình. Bác sĩ gia đình thực hiện một số bài kiểm tra đơn giản và sau đó giới thiệu Eileen đến dịch vụ chuyên khoa về trí nhớ.
Bệnh Alzheimer chiếm khoảng 6 trên 10 trường hợp sa sút trí tuệ. 6 Bệnh thường bắt đầu với những vấn đề về trí nhớ và dần trở nên xấu đi theo thời gian. Mọi người thường thấy họ không thể nhớ được những việc xảy ra gần đây, mặc dù họ vẫn có thể nhớ những chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước đây.
Họ sẽ thường cảm thấy khó khăn khi cố nhớ ra những từ cụ thể hoặc gọi tên đồ vật. Đôi khi họ không ý thức được trí nhớ của mình gặp vấn đề, nhưng người khác thì lại nhận thấy được. Một người mắc sa sút trí tuệ có thể cảm thấy khó khăn khi:
- học những thứ mới
- nhớ những sự kiện gần đây, các cuộc hẹn hoặc tin nhắn điện thoại
- nhớ tên của một số người hoặc địa điểm
- hiểu hoặc giao tiếp với người khác
- nhớ nơi họ cất đồ vật, điều này có thể rất khó chịu - cảm giác như thể ai đó đã vào nhà của họ hoặc lấy những món đồ đi
- hiểu rằng đang có điều gì đó không ổn với họ - họ có thể trở nên gắt gỏng khi ai đó cố gắng giúp họ.
Những vấn đề này đều khiến các hoạt động đơn giản hằng ngày càng lúc càng trở nên khó khăn hơn.
Khi quen biết một ai đó mắc chứng Alzheimer, bạn sẽ thường nhận thấy sự thay đổi rất vi tế trong tính cách của họ. Họ cư xử hoặc phản ứng khác hơn so với con người của họ trước thời điểm mắc bệnh.
Đối với bệnh Alzheimer, các protein có tên amyloid và tau sẽ tích tụ trong não bộ tạo thành các lắng đọng gọi là “mảng” và “đám rối”. Tổn thương xảy ra đối với những vùng não bộ này, từ đó ảnh hưởng đến các chất hóa học trong não có nhiệm vụ truyền tín hiệu từ tế bào này đến tế bào khác, đặc biệt đến một chất có tên gọi acetylcholine.7
Sa sút trí tuệ mạch máu
Ông John, 78 tuổi, là một kỹ sư đã nghỉ hưu. Ông có bệnh cao huyết áp, đái tháo đường và cholesterol máu cao. Sau hai lần nhồi máu cơ tim, ông ấy đã phải cuộc phẫu thuật nong mạch vành (một thủ thuật giúp mở các động mạch bị tắc) 18 tháng trước đó, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn bị đau vùng ngực.
Sau lần nhồi máu cơ tim đầu tiên, trí nhớ của ông đã tệ đi trong một thời gian, sau đó dường như lại tốt trở lại. Nhưng từ lần thứ hai, vợ và con trai ông ấy nhận thấy rằng ông trở nên quên nhiều hơn và cũng không thể tập trung như trước. Tâm trạng của ông lên xuống thất thường hơn - ông trở nên dễ cáu gắt và tức giận, nhưng cũng có lúc ông bật khóc không rõ lý do. Ông gặp khó khăn hơn trong việc di chuyển và đã bị tiểu dầm 1-2 lần, điều này khiến ông vô cùng xấu hổ. Sau khi bác sĩ gia đình phát hiện ra vấn đề với trí nhớ gần đây của ông, kết quả chụp MRI não cho thấy dấu hiệu của nhiều cơn đột quỵ nhẹ.
Điều này là do giảm lượng máu cấp lên não, bắt nguồn từ việc các mạch máu bị tổn thương. Có nghĩa là một số phần của não không nhận đủ oxy và dưỡng chất, dẫn đến tế bào não bị chết đi.
Các loại sa sút trí tuệ mạch máu bao gồm:
- liên quan đến đột quỵ – khi một mạch máu đến não bị tắc nghẽn đột ngột, chẳng hạn bởi cục máu đông
- sa sút trí tuệ dưới vỏ – một loại sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến phần dưới của não, nơi lưu lượng máu bị giảm trong các mạch máu rất nhỏ.
Bạn có nhiều khả năng mắc sa sút trí tuệ mạch máu nếu bạn có một trong các yếu tố có thể dẫn đến tắc nghẽn động mạch. Những yếu tố này bao gồm huyết áp cao, đái tháo đường, cholesterol cao – và, dĩ nhiên, hút thuốc lá.8
Rất khó để dự đoán sa sút trí tuệ mạch máu sẽ tiến triển như thế nào, vì các vấn đề phụ thuộc vào phần nào của não bị ảnh hưởng. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- mất trí nhớ và khó tập trung
- gặp khó khăn với ngôn ngữ – giống như trong bệnh Alzheimer
- thay đổi tâm trạng thất thường hoặc trầm cảm
- các vấn đề về thể chất như khó đi lại hoặc không kiểm soát được tiểu tiện.
Sa sút trí tuệ thể Lewy / Sa sút trí tuệ do bệnh Parkinson
Terry, 66 tuổi, là một giáo viên đã nghỉ hưu và sống một mình. Ông cảm thấy buồn kể từ khi nghỉ hưu cách đây 6 tháng và thấy suy nghĩ của mình đã bị chậm đi rất nhiều.
Ông để ý cánh tay phải của mình bắt đầu run trong vài tháng gần đây và hôm qua ông đã bị ngã trên đường. Ông tự thấy mình đi lết chân, điều này khiến ông phiền lòng vì ông luôn coi mình là một người năng động và khỏe mạnh. Con gái ông, Cath, lo lắng sau khi ông suýt gặp tai nạn do mất tập trung khi lái xe. Ông cho rằng việc này là do ngủ kém, vì giường của ông luôn bị xáo trộn vào buổi sáng và đôi khi ông còn bị những vết bầm tím.
Trong vài tuần vào buổi tối, ông bắt đầu thấy một đứa trẻ đang chơi lặng lẽ trong góc phòng. Vào một đêm nọ, ông đã mời đứa bé đó ăn, nhưng sau đó nhận ra rằng con gái ông không thể nhìn thấy đứa bé. Cath cảm thấy việc nhớ ngày tháng và lên kế hoạch làm các công việc nhà của bố mình ngày càng trở nên tệ hơn.
Bác sĩ gia đình thấy quan ngại nên giới thiệu Terry đến phòng khám về trí nhớ. Sau khi chụp não, ông được chẩn đoán mắc sa sút trí tuệ thể Lewy.
Bệnh xảy ra do sự tích tụ của các mảng protein (thể Lewy) trong não.9 Các triệu chứng của bệnh Parkinson phát triển, mặc dù chúng thường xuất hiện muộn hơn trong quá trình bệnh. Các triệu chứng bao gồm:
- trí nhớ có vấn đề và gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch cho các công việc
- trạng thái lẫn lộn thay đổi theo từng thời điểm trong ngày
- ảo giác thị giác sống động về con người hoặc động vật
- các vấn đề về giấc ngủ, đi lại xung quanh trong khi mơ
- các đặc điểm của bệnh Parkinson như run tay, cứng cơ, té ngã hoặc khó khăn trong việc đi lại.
Sa sút trí tuệ trán-thái dương
Loại sa sút trí tuệ này thường xảy ra ở những người trẻ tuổi hơn. Bệnh ảnh hưởng đến phần trước của não nhiều hơn các khu vực khác. Thường bắt đầu ở những người trong độ tuổi 50 và 60. 11
Bệnh có khả năng gây ra những thay đổi về tính cách và hành vi, cũng như các vấn đề về ngôn ngữ. Trí nhớ có thể không bị ảnh hưởng trong một thời gian dài. Có 3 loại chính:
- hành vi – một người thường rất lịch sự và đúng mực có thể bắt đầu trở nên cáu kỉnh hoặc thô lỗ, hoặc có thể mất hứng thú trong việc chăm sóc ngoại hình của mình
- ngữ nghĩa – dấu hiệu chính là các vấn đề trong việc hiểu ngôn ngữ và ghi nhớ các sự kiện
- chứng mất ngôn ngữ tiến triển không lưu loát – khó khăn trong việc nói và phát âm từ.
Bệnh não TDP-43 liên quan đến tuổi tác chiếm ưu thế ở hệ viền (LATE)
Một loại sa sút trí tuệ mới được xác định gần đây thông qua việc nghiên cứu các mẫu mô não sau khi bệnh nhân qua đời. Bệnh này cũng phổ biến ở người lớn tuổi và thường được phát hiện cùng với các rối loạn khác đã được đề cập ở trên. Hiện tại chưa tìm ra cách chẩn đoán LATE.10
Những nguyên nhân hiếm gặp hơn
Còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến sa sút trí tuệ. Một vài nguyên nhân bao gồm:
- Thoái hóa vỏ não hạch đáy
- Bệnh Creutzfeldt-Jakob
- Suy giảm nhận thức liên quan đến HIV
- Bệnh Huntington
- Đa xơ cứng
- Hội chứng Korsakoff
- Tràn dịch não áp lực bình thường
- Teo vỏ não sau
- Liệt trên nhân tiến triển.
Làm thế nào để chẩn đoán sa sút trí tuệ?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ bằng cách xác định mô hình triệu chứng mà một người gặp phải và tìm hiểu xem những triệu chứng này ảnh hưởng như thế nào đến việc người đó xử lý các công việc hằng ngày.
Vì vậy, bước đầu tiên là phỏng vấn để hiểu rõ về người bệnh. Các bảng câu hỏi sẽ được sử dụng để kiểm tra khả năng suy nghĩ và trí nhớ của họ – đây được gọi là 'kiểm tra nhận thức'. Bệnh nhân sẽ được thăm khám thể chất và thực hiện một số bài kiểm tra liên quan đến các công việc thể chất đơn giản, chẳng hạn như gõ tay. Việc người đánh giá trò chuyện cùng người thân bệnh nhân để có thêm thông tin về những chuyện đã và đang xảy ra sẽ rất có ích.
Buổi thăm khám đầu tiên sẽ giúp xác định các khu vực có vấn đề và thường cung cấp các manh mối về loại sa sút trí tuệ. Các xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh có thể được sử dụng để tìm các nguyên nhân khác dẫn đến các triệu chứng này. Các chẩn đoán hình ảnh (chụp CT/MRI não) có thể giúp xác định loại sa sút trí tuệ, từ đó định hướng điều trị.12
Việc giới thiệu bệnh nhân đến khám tại 'Phòng khám về trí nhớ' hiện nay rất phổ biến nhằm giúp chẩn đoán sớm. Người mắc sa sút trí tuệ thường sẽ phải đến gặp nhiều chuyên gia - bác sĩ tâm thần, bác sĩ lão khoa, bác sĩ tâm lý, chuyên viên trị liệu phục hồi chức năng và điều dưỡng.
Những đối tượng nào có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ?
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể mắc sa sút trí tuệ, nhưng đây không phải là một hệ quả tự nhiên hoặc tất yếu của quá trình lão hóa. Một số bệnh lý có thể làm tăng khả năng mắc sa sút trí tuệ13.
Các bệnh lý này bao gồm:
- Bệnh Parkinson
- Đột quỵ và bệnh tim mạch
- Cao huyết áp và cholesterol máu cao
- Bệnh đái tháo đường týp 2.
Việc cố gắng điều trị và kiểm soát các yếu tố nguy cơ này, đặc biệt là cao huyết áp và đái tháo đường, là điều rất quan trọng. Ngoài ra, trong giai đoạn trung niên, việc kiểm soát các vấn đề về mất thính lực, béo phì, cô lập xã hội và trầm cảm cũng có thể giúp giảm thiểu nguy cơ.14
Các yếu tố về lối sống có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại sa sút trí tuệ15 bao gồm:
- hút thuốc lá
- uống rượu vượt quá giới hạn an toàn – hơn 14 đơn vị mỗi tuần
- chế độ ăn uống không lành mạnh
- thiếu vận động thể chất
- thừa cân
- chấn thương đầu nhiều lần, ví dụ như ở võ sĩ quyền Anh.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng việc bỏ thuốc lá, giảm lượng rượu tiêu thụ, tăng cường tập thể dục và chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng (ví dụ: khuyến khích chế độ ăn cụ thể theo kiểu Địa Trung Hải) có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ, đặc biệt nếu thực hiện những thay đổi này ở độ tuổi 40 và 50. 16
Gen di truyền cũng là một nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ. Bệnh Alzheimer sau tuổi 65 thường không phải do rối loạn di truyền gây ra, nhưng một số gen được phát hiện làm tăng hoặc giảm một chút nguy cơ. 17 Một người thân trong gia đình bị sa sút trí tuệ không đồng nghĩa với việc bạn sẽ mắc sa sút trí tuệ, và hiện chưa có xét nghiệm nào có thể dự đoán nguy cơ mắc bệnh của bạn.
Ở một số gia đình, "chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm" xảy ra phổ biến hơn, nên dường như có nguyên nhân di truyền nhiều hơn trong những trường hợp này. Những người mắc hội chứng Down cũng có nhiều khả năng bị sa sút trí tuệ sớm hơn. 17 Nếu trong gia đình bạn có hơn một người mắc chứng sa sút trí tuệ trước tuổi 65, có thể bạn nên tham vấn ý kiến của chuyên gia di truyền lâm sàng về vấn đề này.
Có phương pháp điều trị nào dành cho bệnh sa sút trí tuệ không?
Việc này sẽ phụ thuộc vào chẩn đoán và tình trạng của bạn. Hiện tại chưa có phương pháp điều trị nào cho những bệnh lý này. Có vài phương án giúp bạn hoặc người thân duy trì khả năng tự lập và di chuyển tự do nhiều nhất và lâu nhất có thể.
- Một nhóm thuốc ức chế acetylcholinesterase (donepezil, galantamine và rivastigmine) và một loại thuốc khác tên memantine có thể điều trị một số triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ Alzheimer và giúp con người duy trì được trạng thái tự lập lâu hơn. 18 Những loại thuốc này cũng có tác dụng với chứng sa sút trí tuệ thể Lewy, đặc biệt là khi xảy ra tình trạng ảo giác. 19 Đọc bài viết của chúng tôi về điều trị bằng thuốc cho bệnh Alzheimer.
- Đối với chứng sa sút trí tuệ mạch máu, bác sĩ gia đình có thể đề nghị việc dùng thuốc nếu bạn mắc cao huyết áp, cholesterol máu cao hoặc đái tháo đường. Việc bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên cũng rất có ích.
- Nhìn chung, việc bổ sung vitamin B và E, axit béo (bao gồm dầu cá) và các thực phẩm chức năng tổng hợp nhằm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ là không được khuyến cáo20, nhưng bác sĩ gia đình có thể đề nghị bạn điều trị tình trạng thiếu hụt vitamin nếu có. Một số loại dược phẩm bổ sung có thể tương tác với thuốc kê toa, vì vậy tốt nhất là bạn nên kiểm tra với bác sĩ nếu muốn sử dụng bất kỳ loại nào trong số đó.
- Một phương pháp điều trị tâm lý có tên gọi kích thích nhận thức nhóm có thể giúp cải thiện trí nhớ và nâng cao chất lượng cuộc sống của một người, bằng cách sử dụng các trò chơi theo nhóm để kích thích kỹ năng tư duy. 21
- Liệu pháp hồi tưởng liên quan đến việc thảo luận về các hoạt động, sự kiện và trải nghiệm trong quá khứ với một người khác hoặc với một nhóm người. Liệu pháp có thể giúp ích cho cả sự hiểu biết lẫn kiến thức (nhận thức) và có thể giúp giảm bớt gánh nặng cho người chăm sóc. 22
- Tốc độ tiến triển của bệnh sa sút trí tuệ là một biến số. Con người có thể sống năng động, hiệu quả và ý nghĩa trong nhiều năm sau khi được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ.
Tôi mắc chứng sa sút trí tuệ - tôi có thể giúp người khác như thế nào?
Có rất nhiều nghiên cứu đang được tiến hành ở Vương quốc Anh và trên toàn thế giới, về nguyên nhân của chứng sa sút trí tuệ và cách điều trị. Hiện tại có ba mạng lưới nghiên cứu chính đang hoạt động ở Vương quốc Anh 23:
- Anh - Mạng lưới Nghiên cứu về Chứng sa sút trí tuệ và Bệnh thoái hoá thần kinh (DeNDRoN)
- Scotland - Mạng lưới Nghiên cứu Lâm sàng về Chứng sa sút trí tuệ Scotland (SDCRN) - trang web này hiện đang được xây dựng.
- Wales - Mạng lưới Nghiên cứu về Chứng sa sút trí tuệ và Bệnh thoái hóa thần kinh xứ Wales (NEURODEM Cymru)
Tham gia Nghiên cứu về Chứng sa sút trí tuệ là cách chủ yếu để ghi danh và bày tỏ sự quan tâm của bạn với tư cách là bệnh nhân hoặc người chăm sóc ở Vương quốc Anh. Bạn cũng có thể đăng ký cho người khác nếu có được sự cho phép của họ.
Dịch vụ này được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia (NIHR) hợp tác với Alzheimer Scotland, Alzheimer's Research UK và Hiệp hội Alzheimer để kết nối các tình nguyện viên có quan tâm với các nhà nghiên cứu.
Bạn cũng có thể hỏi bác sĩ gia đình hoặc đội ngũ sức khoẻ tâm thần tại địa phương về những nghiên cứu đang được thực hiện ở địa phương.
Làm thế nào để tự giúp bản thân?
Các bước thực tế đơn giản
- Sử dụng nhật ký để ghi nhớ các cuộc hẹn.
- Lập danh sách những việc bạn phải làm và đánh dấu chúng khi đã làm xong!
- Giữ cho tâm trí của bạn luôn hoạt động bằng việc đọc sách hoặc giải câu đố, học những điều mới và duy trì một cuộc sống có mục đích.
- Hãy tham gia, kết nối, tìm kiếm Hội cà phê Trí nhớ tại địa phương hoặc các hoạt động xã hội khác mà bạn thích.
- Ăn uống lành mạnh và tập thể dục (điều này có ích cho bạn dù bạn đang ở bất kỳ độ tuổi nào).
- Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ nếu bạn đang gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, hoặc nhận lời khuyên nếu mọi người cảm thấy bạn đang gặp khó khăn trong khi xử lý các công việc. Có rất nhiều cách mà gia đình, bạn bè và các dịch vụ có thể giúp bạn sống tự lập lâu nhất có thể.
Lập kế hoạch
Có lẽ đến lúc nào đó, bạn sẽ bắt đầu thấy khó khăn khi đưa ra quyết định về những lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống của mình, chẳng hạn như quản lý tiền bạc hoặc các quyết định liên quan đến y tế. Bạn có thể ủy nhiệm cho một người thân, người bạn hoặc luật sư mà bạn tin tưởng để thay bạn đưa ra những quyết định đó, dựa trên những gì bạn có lẽ sẽ lựa chọn lúc còn khả năng đưa ra quyết định ở trước thời điểm bạn bị ảnh hưởng bởi chứng sa sút trí tuệ.
Đây được gọi là Ủy quyền lâu dài (LPA). 24 Một luật sư có thể giúp bạn soạn thảo LPA. Có 2 loại LPA: một loại dành cho việc quản lý các vấn đề về "Tài sản và Tài chính" và một loại khác dành cho các vấn đề liên quan đến "Sức khỏe và Phúc lợi".
- LPA về tài sản và tài chính: Các luật sư có thể được ủy nhiệm để đưa ra các quyết định về những vấn đề như ngân hàng và đầu tư, bán tài sản, thuế và lợi tức.
- LPA về sức khỏe và phúc lợi: Các luật sư có thể được ủy nhiệm để đưa ra các quyết định về những vấn đề như điều trị y tế, chăm sóc hằng ngày và nơi cư trú.
Tất cả các LPA phải được đăng ký với Văn phòng Người giám hộ công trước khi được sử dụng.
Lưu ý: Giấy Ủy quyền dài hạn (EPA): LPA hiện đã thay thế EPA. Tuy nhiên, một bản EPA hợp lệ được thực hiện trước ngày 1 tháng 10 năm 2007 vẫn sẽ tiếp tục có hiệu lực, ngay cả khi chưa được đăng ký.
Quyết định Từ trước: bạn có thể ghi lại quyết định của mình về việc từ chối một số điều trị y tế nhất định trong tương lai, phòng trường hợp bạn có thể mất đi khả năng đưa ra những quyết định tương tự. Những quyết định này sẽ được các nhà chuyên môn tôn trọng.25 Văn bản này có thể được soạn cùng lúc hoặc riêng biệt với LPA.
“Đây là tôi”
Đối với người có vấn đề về trí nhớ, các chuyên gia cần phải thấy được rõ ràng những thông tin quan trọng về họ.
“Đây là Tôi” là một tài liệu có thể phục vụ cho mục đích này. Tài liệu này chứa nhiều thông tin hữu ích về tiền sử bệnh, cuộc sống và sở thích của một người. Bệnh nhân có thể mang theo tài liệu này khi đi khám bệnh hoặc nhập viện và tài liệu có sẵn trên trang web Alzheimers.org.
Lái xe
Việc bị chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ không phải là lý do để người bệnh ngừng việc lái xe, nhưng khi bệnh tiến triển, kỹ năng lái xe sẽ giảm sút. Vấn đề này có thể bắt nguồn từ việc nhận thức không gian thị giác bị thay đổi, giảm tập trung hoặc khả năng phán đoán và ra quyết định bị ảnh hưởng. Người bệnh có thể không nhận ra rằng mình đã mất đi những kỹ năng này.26
- Luật pháp Vương quốc Anh quy định rằng nếu người có giấy phép lái xe được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ, họ phải nhanh chóng liên hệ/thông báo về chẩn đoán này với cơ quan cấp phép liên quan - Cơ quan Cấp phép Lái xe và Đăng ký Phương tiện (DVLA), hoặc Cơ quan Lái xe & Phương tiện (DVA) nếu ở Bắc Ireland.27
- Nếu bác sĩ lo ngại về khả năng lái xe của người mắc chứng sa sút trí tuệ và người đó chưa thông báo cho cơ quan cấp phép, thì bác sĩ có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan cấp phép.28
- Nếu bác sĩ lo ngại về chứng sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến việc bạn lái xe, họ có thể yêu cầu bạn lập tức ngưng việc lái xe hoặc ít nhất là cho đến khi có kết quả điều tra của DVLA/DVA.
- Người lái xe cũng nên thông báo cho công ty bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng của họ còn hiệu lực.
- Việc đánh giá khả năng lái xe có thể giúp làm rõ ảnh hưởng của chứng sa sút trí tuệ đến khả năng lái xe của bạn, thông tin từ đánh giá này có thể giúp cơ quan cấp phép quyết định liệu bạn có thể tiếp tục lái xe hay không. Để tham gia đánh giá này, bạn cần phải có giấy phép lái xe hợp lệ. Bạn có thể thực hiện đánh giá trong khi chờ quyết định của cơ quan cấp phép.
- Nhiều người tự chọn ngưng việc lái xe và gửi lại giấy phép của họ cho DVLA/DVA, đây được gọi là “tự nguyện từ bỏ”.
Trầm cảm và lo âu
Trầm cảm và lo âu là vấn đề phổ biến ở người mắc sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, trầm cảm cũng có thể biểu hiện tương tự như sa sút trí tuệ.29 Giống như sa sút trí tuệ, trầm cảm có thể ảnh hưởng đến khả năng tự chăm sóc bản thân của một người.
Đây được gọi là “chứng sa sút trí tuệ giả” và cần phải được xác định đúng và được chữa trị. Nếu bạn lo bạn hoặc người thân của bạn có khả năng bị trầm cảm, đầu tiên hãy đến tìm lời khuyên từ bác sĩ gia đình của bạn. Trầm cảm có thể được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm và liệu pháp trò chuyện.30
Nhận trợ giúp và hỗ trợ
Tóm lại, nếu bạn lo lắng về trí nhớ của mình hay của một ai đó khác, hãy đặt lịch hẹn với bác sĩ gia đình. Họ có thể tiến hành thăm khám sức khỏe, một số kiểm tra đơn giản để kiểm tra trí nhớ của bạn và yêu cầu xét nghiệm máu. Nếu cần, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến với một đội ngũ chuyên gia, một bác sĩ tâm lý hoặc một bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, hãy xem thông tin bên dưới để biết thêm những tổ chức có thể cung cấp thông tin và hỗ trợ chứng sa sút trí tuệ ở bất kỳ giai đoạn nào. Nếu bạn cần trợ giúp trong các hoạt động thực tế, chăm sóc hằng ngày hoặc trợ cấp, bạn có thể liên hệ với chính quyền địa phương để được tư vấn về dịch vụ chăm sóc xã hội và dịch vụ hỗ trợ chăm sóc.
Các nguồn thông tin khác và các tổ chức hỗ trợ
Liên kết với các dịch vụ địa phương và thông tin về chứng sa sút trí tuệ.
Đường dây trợ giúp quốc gia về tư vấn và hỗ trợ: 0300 222 11 22.
Email: helpline@alzheimers.org.uk
Đường dây Trợ giúp Quốc gia dành cho Chứng sa sút trí tuệ cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ thông qua việc lắng nghe, định hướng và đưa ra chỉ dẫn phù hợp cho bất kỳ cá nhân nào bị ảnh hưởng bởi chứng sa sút trí tuệ.
Nhóm Age UK hoạt động nhằm cải thiện cuộc sống về sau cho mọi người qua việc cung cấp các dịch vụ nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ thiết yếu. Gọi cho Age UK: 0800 169 8787; Email: contact@ageuk.org.uk
Đường dây tư vấn: 0808 808 7777. Carers UK chuyên hỗ trợ những người chăm sóc đang cung cấp dịch vụ chăm sóc miễn phí cho bạn bè hoặc người thân.
Cục Tư vấn Công dân cung cấp tư vấn bảo mật, độc lập và miễn phí. Hãy liên hệ với văn phòng địa phương để được hỗ trợ về trợ cấp, lập kế hoạch tài chính hoặc tổ chức việc chăm sóc.
Một tổ chức từ thiện chuyên tài trợ cho nghiên cứu về chứng sa sút trí tuệ thể Lewy, cung cấp hỗ trợ và thông tin để giúp các gia đình và người chăm sóc hiểu về căn bệnh cũng như tác động của nó.
Hiệp hội Luật sư có nhiều thông tin hữu ích về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc xác lập Giấy ủy quyền hoặc Quyết định Từ trước và có thể là nguồn lực hữu ích trong việc tìm luật sư hỗ trợ.
Nếu bạn biết hoặc đang chăm sóc cho ai đó đang gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định về sức khỏe, tài chính hoặc phúc lợi cá nhân, bạn có thể sẽ cần phải nộp đơn lên Tòa án Bảo hộ để bạn (hoặc người khác) có thể đưa ra quyết định thay họ.
Là một cơ quan có trách nhiệm trên toàn khu vực nước Anh và xứ Wales (có cơ quan sắp xếp riêng cho vùng Scotland và vùng Bắc Ireland). Cơ quan này hỗ trợ Người giám hộ công trong việc đăng ký Giấy ủy quyền dài hạn (EPA) và Giấy ủy quyền lâu dài (LPA) và giám sát các đại diện được chỉ định bởi Tòa án Bảo hộ.
Đọc thêm
Chương trình Sách kê toa của Reading Well hỗ trợ những người mắc chứng sa sút trí tuệ và người chăm sóc họ. Chương trình đã được tiến cử bởi các chuyên gia y tế và những người có trải nghiệm sống với chứng sa sút trí tuệ.
Sách có thể được các chuyên gia y tế giới thiệu, hoặc mọi người có thể tự liên hệ bản thân và mượn đầu sách miễn phí phù hợp từ thư viện địa phương.
Các đầu sách trong danh mục được chia thành bốn loại: thông tin và lời khuyên; sống tốt với chứng sa sút trí tuệ; hỗ trợ cho người thân và người chăm sóc; và những câu chuyện cá nhân.
- Alzheimer's and Other Dementias: answers at your fingertips. (Tạm dịch: Alzheimer và Các chứng sa sút trí tuệ khác: câu trả lời nằm trong tầm tay bạn). Cayton, Graham, & Warner. Class Publishing (London) Ltd. 3rd edition 2008.
- Your Memory: a users guide. (Tạm dịch: Trí nhớ của bạn: hướng dẫn sử dụng). Baddeley. Carlton Books (London). Revised edition 2004.
- Dancing with Dementia: My story of living positively with dementia. (Tạm dịch: Khiêu vũ với Chứng sa sút trí tuệ: Câu chuyện của tôi về chung sống tích cực với chứng sa sút trí tuệ). Bryden. Jessica Kingsley Publishers (London & Philadelphia). 2005.
Tài liệu tham khảo
- Prince, M. et al. (2014). Nutrition and Dementia: a review of available research. Alzheimer’s Disease International. London. [online] Available at: https://www.alz.co.uk/nutrition-report [Accessed 4 Jul. 2019].
- Alzheimer’s Society. (2019). Normal ageing vs dementia. [online] Available at: https://www.alzheimers.org.uk/about-dementia/symptoms-and-diagnosis/how-dementia-progresses/normal-ageing-vs-dementia [Accessed 4 Jul. 2019].
- Prince, M et al. (2014). Dementia UK: Update Second Edition. Alzheimer’s Society. [online] Available at: http://eprints.lse.ac.uk/59437/1/Dementia_UK_Second_edition_-_Overview.pdf [Accessed 4 Jul. 2019]. p 16.
- Alzheimer’s Research UK. (2018). Prevalence by age in the UK. [online] Available at: https://www.dementiastatistics.org/statistics/prevalence-by-age-in-the-uk/ [Accessed 4 Jul. 2019].
- Alzheimer’s Research UK. (2018). Mild cognitive impairment. [online] Available at: https://www.alzheimersresearchuk.org/about-dementia/types-of-dementia/mild-cognitive-impairment/about/ [Accessed 4 Jul. 2019].
- Alzheimer’s Research UK. (2018). Different types of dementia. [online] Available at: https://www.dementiastatistics.org/statistics/different-types-of-dementia/ [Accessed 4 Jul. 2019].
- National Institute on Aging. (2017). What Happens to the Brain in Alzheimer’s Disease? [online] Available at: https://www.nia.nih.gov/health/what-happens-brain-alzheimers-disease [Accessed 4 Jul. 2019].
- British Heart Foundation. (2019). Vascular dementia. [online] Available at: https://www.bhf.org.uk/informationsupport/conditions/vascular-dementia [Accessed 4 Jul. 2019].
- National Health Service. (2016). Overview: Dementia with Lewy bodies. [online] Available at: https://www.nhs.uk/conditions/dementia-with-lewy-bodies/ [Accessed 4 Jul. 2019].
- Nelson, P. et al. (2019). Limbic-predominant age-related TDP-43 encephalopathy (LATE): consensus working group report. Brain. Vol.142:6. pp 1503-1527. [online] Available at: https://academic.oup.com/brain/article/142/6/1503/5481202 [Accessed 4 Jul. 2019].
- Alzheimer’s association. (2019). Frontotemporal Dementia. [online] Available at: https://www.alz.org/alzheimers-dementia/what-is-dementia/types-of-dementia/frontotemporal-dementia [Accessed 4 Jul. 2019].
- National Institute for Health and Care Excellence. (2018) Dementia: assessment, management and support for people living with dementia and their carers. Nice guideline 97. [online] Available at: https://www.nice.org.uk/guidance/ng97/chapter/Recommendations#diagnosis [Accessed 4 Jul. 2019]. Standard 1.2.13.
- Prince, M. et al. (2014). World Alzheimer Report 2014. Dementia and Risk Reduction. An analysis of Protective and Modifiable Risk Factors. Alzheimer's Disease International, London UK. [online] Available at: https://www.alz.co.uk/research/WorldAlzheimerReport2014.pdf (PDF) [Accessed 4 Jul. 2019]. pp. 66-83.
- Prince, M. et al. (2014). World Alzheimer Report 2014. Dementia and Risk Reduction. An analysis of Protective and Modifiable Risk Factors. Alzheimer's Disease International, London UK. [online] Available at: https://www.alz.co.uk/research/WorldAlzheimerReport2014.pdf (PDF) [Accessed 4 Jul. 2019]. pp. 26-39.
- Prince, M. et al. (2014). World Alzheimer Report 2014. Dementia and Risk Reduction. An analysis of Protective and Modifiable Risk Factors. Alzheimer's Disease International, London UK. [online] Available at: https://www.alz.co.uk/research/WorldAlzheimerReport2014.pdf (PDF) [Accessed 4 Jul. 2019]. pp. 42-63.
- Prince, M. et al. (2014). World Alzheimer Report 2014. Dementia and Risk Reduction. An analysis of Protective and Modifiable Risk Factors. Alzheimer's Disease International, London UK. [online] Available at: https://www.alz.co.uk/research/WorldAlzheimerReport2014.pdf (PDF) [Accessed 4 Jul. 2019]. p. 61.
- Alzheimer’s Research UK. (2018). Genes and dementia. [online] Available at: https://www.alzheimersresearchuk.org/about-dementia/helpful-information/genes-and-dementia/ [Accessed 4 Jul. 2019].
- Knight, R et al. (2018). A Systematic Review and Meta-Analysis of the Effectiveness of Acetylcholinesterase Inhibitors and Memantine in Treating the Cognitive Symptoms of Dementia. Dementia and Geriatric Cognitive Disorders, vol. 45, no. 3-4. pp. 131-151. [online] Available at: https://www.karger.com/Article/FullText/486546 [Accessed 4 Jul. 2019].
- National Institute for Health and Care Excellence. (2018) Dementia: assessment, management and support for people living with dementia and their carers. Nice guideline 97. [online] Available at: https://www.nice.org.uk/guidance/ng97/chapter/Recommendations#pharmacological-interventions-for-dementia [Accessed 4 Jul. 2019]. Standards 1.5.10-1.5.13.
- World Health Organisation. (2019). Risk reduction of cognitive decline and dementia: WHO guidelines. Geneva: World Health Organisation. [online] Available at: https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/312180/9789241550543-eng.pdf?ua=1 (PDF) [Accessed 4 Jul. 2019]. p. 19.
- Spector, A. et al. (2003). Efficacy of an evidence-based cognitive stimulation therapy programme for people with dementia: Randomised Controlled Trial. British Journal of Psychiatry. Vol. 183 pp. 248-254. [online] Available at: http://www.cstdementia.com/media/document/spector-et-al-2003.pdf [Accessed 4 Jul. 2019].
- Woods, B. et al. (2018). Reminiscence therapy for dementia. Cochrane Database of Systematic Reviews 2018, Issue 3. [online] Available at: https://www.cochranelibrary.com/cdsr/doi/10.1002/14651858.CD001120.pub3/full [Accessed 4 Jul. 2019].
- Join dementia research. (2019). About the service. [online] Available at: https://www.joindementiaresearch.nihr.ac.uk/content/about [Accessed 4 Jul. 2019].
- Office of the Public Guardian. (2019). Make, register or end a lasting power of attorney. Government Digital Service. [online] Available at: https://www.gov.uk/power-of-attorney [Accessed 4 Jul. 2019].
- National Health Service. (2017). Advance decision (living will); End of life care. [online] Available at: https://www.nhs.uk/conditions/end-of-life-care/advance-decision-to-refuse-treatment/ [Accessed 4 Jul. 2019].
- Alzheimer’s Society. (2019). Driving and dementia. [online] Available at: https://www.alzheimers.org.uk/get-support/staying-independent/driving-and-dementia [Accessed 4 Jul. 2019].
- Department of Transport. (2019). Dementia and driving. Government Digital Service. [online] Available at: https://www.gov.uk/dementia-and-driving [Accessed 4 Jul. 2019].
- General Medical Council. (2019). Patients’ fitness to drive and reporting concerns to the DVLA or DVA. [online] Available at: https://www.gmc-uk.org/ethical-guidance/ethical-guidance-for-doctors/confidentiality---patients-fitness-to-drive-and-reporting-concerns-to-the-dvla-or-dva/patients-fitness-to-drive-and-reporting-concerns-to-the-dvla-or-dva [Accessed 4 Jul. 2019].
- Thakur, M. (2007). Pseudodementia. Encyclopedia of Health & Aging. SAGE Publications, Inc. pp. 477-8. [online] Available at: http://go.galegroup.com/ps/i.do?p=GVRL&u=cuny_laguardia&id=GALE|CX2661000198&v=2.1&it=r&sid=GVRL&asid=3ad1e77f [Accessed 4 Jul. 2019].
- National Institute for Health and Care Excellence. (2009) Depression in adults: recognition and management. Nice clinical guideline 90. [online] Available at: https://www.nice.org.uk/guidance/cg90/chapter/1-Guidance#stepped-care [Accessed 4 Jul. 2019]. Standard 1.2.
This translation was produced by CLEAR Global (Nov 2024)